Diễn đàn có 3 điểm cầu chính tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phía Nam và UBND tỉnh Lào Cai cùng hơn 400 điểm cầu trong, ngoài nước với sự tham gia của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Việc tổ chức diễn đàn có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh Trung Quốc đang thay đổi chính sách phòng chống dịch COVID-19; khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc của Việt Nam. Đây là điều kiện để hai bên thúc đẩy hoạt động giao thương nói chung và thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm nói riêng sau thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Tại diễn dàn, các đại biểu nhận định, đánh giá và dự báo thị trường xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa hai bên.
Nhận định tổng quan về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn nêu rõ, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 175,5 tỷ USD. Với 1,411 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam.
Đối với hàng rau quả, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với tỷ trọng chiếm 53,7%. Trong số đó, lượng vải thiều sang Trung Quốc chiếm 90%, lượng thanh long sang Trung Quốc chiếm hơn 80% tỷ trọng lượng xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Quốc với tỷ trọng lần lượt chiếm 91,47% và 71%. Riêng thuỷ sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3 của Việt Nam xếp sau Mỹ và Nhật Bản.
Do đó, theo Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á-châu Phi, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu (nhiều vụ việc mất thương hiệu). Cùng đó, nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; nghiên cứu và tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.
Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao; tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc; khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử...
Theo Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Huỳnh Tấn Đạt, hiện còn nhiều khó khăn trong xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Trên thực tế, vẫn tồn tại tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật, yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu sang nước này.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của Lệnh 248, 249 (Quy định quản lý và Đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc), Hải quan Trung Quốc đang tạm ngừng việc đăng ký nhóm trái cây đông lạnh đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao, doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP (hệ thống phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu) khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đáp ứng ngay lập tức.
Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật đề xuất, cần đưa các vấn đề về đàm phán rào cản kỹ thuật mở cửa thị trường nông sản vào nội dung các cuộc họp cấp cao để đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa; đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nông sản khác nhau có lợi thế bên cạnh thị trường truyền thống...
Phó chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Nghĩa Anh - đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu của tỉnh Lào Cai chia sẻ, với việc phía Trung Quốc đang áp dụng thực hiện quy định của Lệnh 248 và 249 thì hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp đối tác hai bên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai kiến nghị, cần có ưu tiên đặc thù cho các địa phương có chung biên giới đất liền với Việt Nam như chính sách biên mậu, chính sách thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Trước thực trạng cửa khẩu thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài, để giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp khi hàng nông sản dễ bị hư hỏng, đề nghị kéo dài thời gian thông quan tới 22 giờ hàng ngày.
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hỗ trợ sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến; xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng để phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa; sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại nông sản của Việt Nam để giảm bớt thời gian, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, diễn đàn cho thấy sự cần thiết và nhu cầu thiết yếu của các doanh nghiệp cần nắm thông tin về cửa khẩu Lào Cai sang thị trường Vân Nam (Trung Quốc).
Về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa ngày càng nâng cao, đặc biệt là yêu cầu từ Lệnh 248, 249, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật; kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số cùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu phía bạn.
Về thực hiện liên kết, các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ các đơn vị như Ban Quản lý Cửa khẩu để nắm bắt thông tin về tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, đảm bảo chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải.