Trong đó về đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG); thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc.
“Đối với lĩnh vục xuất khẩu, Việt Nam tập trung củng cố các thị trường lớn, truyền thống; mở rộng các thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiếp cận thị trường tiềm năng…”, ông Trần Văn Sơn cho biết.
Để kích cầu tiêu dùng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai hiệu quả việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Theo ông Trần Văn Sơn, Việt Nam tiếp tục có cơ chế, chính sách hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực giá trị gia tăng, công nghệ như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo - AI…); đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, dự án hạ tầng quan trọng (nhất là dự án 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối); hệ thống đường bộ cao tốc Bắc Nam (phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km).
Trong thời gian tới, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số Quốc gia; tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn để sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, các bộ, ngành quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu Quốc gia; khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai các quy hoạch đã ban hành, đặc biệt là các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…
Theo ông Trần Văn Sơn, tháng 7/2024, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Khu vực công nghiệp phục hồi tốt; tháng 7/2024 tăng 0,7% so với tháng 6/2024 và tăng 11,2% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng đầu năm 2024 tăng 8,5%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 tăng 9,4%; trong 7 tháng năm nay tăng 8,7%. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm - cao nhất kể từ tháng 11/2018 với sản lượng, đơn hàng mới tăng mạnh.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong 7 tháng qua tăng 4,12%, tăng 0,04% so với tháng 6/2024; tỷ giá, lãi suất nhìn chung ổn định; an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 5,18 triệu tấn, kim ngạch gần 3,3 tỷ USD); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán, 7 tháng năm nay tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%; xuất siêu 14,08 tỷ USD; thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng mạnh, tình hình tài chính - NSNN tiếp tục được cải thiện. Tổng NSNN 7 tháng năm 2024 ước đạt 69,8% dự toán năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ; trong khi đã thực hiện miễn, giảm 87.200 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi NSNN được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định.
Đặc biệt, lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Trong 7 tháng qua, khách quốc tế đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ và tăng 1,9% so với cùng kỳ 2019 trước khi có đại dịch COVID-19.
Điểm sáng tiếp theo trong nền kinh tế là lĩnh vực đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Thu hút FDI đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, cao nhất trong 5 năm qua.