Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, Singapore không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam mà còn là trung tâm dịch vụ quốc tế, cánh cửa giúp các sản phẩm Việt Nam tiếp cận với các nhà mua hàng của các tập đoàn bán lẻ, các chuỗi khách sạn, nhà hàng đa quốc gia và các nhà nhập khẩu của các nước.
Hiện Việt Nam là 1 trong 15 đối tác thương mại hàng đầu của Singapore trên thế giới. Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Singapore đạt 3,46 tỷ USD, tăng 1,02% so với năm 2018. Một số doanh nghiệp Singapore đang tìm kiếm nhập khẩu một số mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến, dệt may, đồ gỗ nội thất… để phân phối tại thị trường Singapore và xuất khẩu sang các nước khác. Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường xuất khẩu hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Leon Cai, Lãnh sự thương mại, Tổng Lãnh sự quán Singapore tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, mặc dù có diện tích và dân số khiêm tốn, tuy nhiên nhờ hệ thống sân bay và cảng biển phát triển mà Singapore là một trong những thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới hiện nay. Các doanh nghiệp Việt có thể hợp tác chiến lược với các công ty Singapore để đưa sản phẩm của mình vươn ra thị trường thế giới. Hiện một số doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm của Singapore đang tìm kiếm nhà phân phối tại thị trường Việt Nam.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, tuy nhiên theo các đại biểu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải khó khăn không nhỏ để gia nhập vào thị trường này. Bởi lẽ, để đưa hàng vào Singapore, các sản phẩm phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, nhất là về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều mặt hàng Việt Nam có tiềm năng như nông sản… nhưng do không đáp ứng được các yêu cầu về mẫu mã, bao bì, hướng dẫn sử dụng… nên khó tiếp cận được với thị trường mà phải xuất khẩu qua trung gian.
Tại hội thảo, các chuyên gia không chỉ đơn thuần cập nhật các thông tin mới nhất về chính sách và thị trường Singapore mà còn cung cấp thông tin cho doanh nghiệp khi đầu tư, kinh doanh tại trường này, đặc biệt là khâu thanh toán và logistics khi hợp tác với các đối tác Singapore.
Các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm, cẩm nang làm thế nào để mở rộng thị trường và kết nối các nhà nhập khẩu, phân phối sang thị trường Singapore và các nước, những điều cần lưu ý về sản phẩm để đáp ứng nhu cầu nhà nhập khẩu Singapore và một số vấn đề trong thanh toán quốc tế. Ngoài ra, các vấn đề về nâng cao hiệu quả và liên kết chuỗi để cắt giảm chi phí logistics trong vận chuyển quốc tế; các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu… cũng được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội thảo.