Đặc biệt vào mùa khô nguồn nước có xu hướng giảm, tình trạng cạn kiệt nguồn nước xảy ra trên diện rộng và tình hình lũ, lụt trong mùa mưa diễn biến phức tạp hơn. Ngoài ra, việc khai thác, sử dụng nước ở các quốc gia nằm trên thượng nguồn lưu vực sông đang có tác động lớn đến nguồn nước chảy về Việt Nam gây nên tình trạng cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô.
Theo ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, nhu cầu nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng (do sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, sản xuất công nghiệp... ngày càng nhanh), các vấn đề tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình ngày càng diễn biến phức tạp. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở phần thượng nguồn lưu vực sông sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới chế độ nguồn nước; cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã tạo nên những thách thức trong việc xây dựng các phương án khai thác, sử dụng và điều hòa nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình.
Tình trạng thiếu nước trong mùa khô liên tục xảy ra ở vùng hạ du. Đặc biệt là trong những năm gần đây, mực nước tại một số vị trí quan trắc ở hạ du đã có thời điểm xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử. Cùng với việc cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp. Nếu không phân bổ nguồn nước hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các vùng, các tiểu lưu vực và các ngành dùng nước trên lưu vực sông thì việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Hồng - Thái Bình sẽ không bảo đảm hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội và môi trường.
Cùng với đó, ô nhiễm nguồn nước dẫn đến chất lượng nước không bảo đảm các mục đích sử dụng nước làm cho nguồn nước có khả năng sử dụng bị khan hiếm, sự cạnh tranh trong dùng nước càng tăng cao. Ảnh hưởng của các hồ chứa ở thượng lưu tác động đến bồi xói lòng, bờ bãi sông, bồi xói cửa sông và xâm nhập mặn vùng cửa sông.
Để phù hợp với yêu cầu quy hoạch, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành công tác thu thập số liệu, tài liệu về chất lượng nước, đa dạng sinh học và hệ sinh thái thủy sinh, các giải pháp bảo vệ, phục hồi môi trường nước các nguồn nước mặt ô nhiễm nghiêm trọng; rà soát, bổ sung thông tin số liệu từ nhóm dự án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước các lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Cùng với đó, Trung tâm đã trao đổi và cung cấp các tài liệu, số liệu của quy hoạch tổng hợp 2 lưu vực sông để Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược…; tổ chức Hội thảo kỹ thuật để lấy ý kiến góp ý cho các kết quả tính toán tài nguyên nước… nhằm bảo đảm an ninh tài nguyên nước trên lưu vực sông, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách phù hợp, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, Trung tâm đã hoàn thành công tác xây dựng các mô hình tính toán tài nguyên nước của 5 tiểu lưu vực sông gồm: Sông Đà, sông Thao, sông Lô - Gâm, sông Cầu - Thương, vùng Đồng bằng sông Hồng và 93 vùng tính toán theo các tần suất 50%, 85%, 95%. Trung tâm đã đánh giá hiện trạng chất lượng nước trên các sông chính, sông quan trọng, sông có nhiều hoạt động khai thác, sử dụng nước và tiếp nhận nước thải; đánh giá biến động nguồn nước trong kỳ quy hoạch theo Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020…
Hoàn thành đánh giá trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước trên toàn lưu vực, hiện trạng chất lượng các tầng chứa nước, diễn biến và xu thế biến động mực nước các tầng chứa chính nước bằng phương pháp mô hình dòng chảy; thống kê, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt theo các ngành kinh tế - xã hội như sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, thủy điện, giao thông thủy; xác định các chỉ tiêu, tiêu chuẩn sử dụng nước, chỉ tiêu phát triển của các ngành kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Trung tâm đã hoàn thành việc xây dựng kịch bản tính toán phục vụ lập quy hoạch theo giai đoạn hiện trạng và trong kỳ quy hoạch (năm 2025, 2030, 2050) với các yếu tố tác động như nguồn nước thượng lưu, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, hiện trạng khai thác, sử dụng nước.
Nhằm đảm bảo các mục tiêu quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình đến năm 2030, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch, điều tra tài nguyên nước Quốc gia chia sẻ, Trung tâm cần đạt một số chỉ tiêu cơ bản được như: 60% vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát tự động, trực tuyến và 40% còn lại được giám sát định kỳ; 100% nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối theo quy định; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị đa đa dạng sinh học cao được công bố; 70% nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và có cắm mốc.
Quy hoạch sẽ đưa ra phân đoạn sông, phân vùng chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước. Trong đó, chỉ rõ lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên từng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu trên sông và ngưỡng giới hạn khai thác của các tàng chứa nước; lượng nước phân bổ cho các đối tượng sử dụng theo không gian (vùng/tiểu vùng sông) và theo thời gian. Quy hoạch cũng chỉ rõ các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng phát triển tài nguyên nước thuộc quy mô cấp phép ở Trung ương và mạng giám sát tài nguyên nước, giám sát quy hoạch. Ngoài ra, quy hoạch đưa ra dự báo nhu cầu nước theo lưu vực và phân bổ cụ thể cho các ngành sử dụng.