Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với thương mại truyền thống.
Trước bối cảnh dịch bệnh, xu hướng giao dịch thương mại điện tử dường như đã trở thành kênh giao dịch chính trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như người dân. Bộ Công Thương đã có động thái gì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi tham gia thương mại điện tử?
Với tâm lý tránh tiếp xúc trong thời điểm dịch bệnh, người dân có xu hướng lựa chọn sử dụng phương thức trực tuyến thay vì mua hàng tại điểm bán truyền thống đã thúc đẩy tăng trưởng của thương mại điện tử.
Ngoài ra, có hiện tượng một số thương nhân, tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng và nâng giá bán khẩu trang y tế và nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn và hàng hóa phục vụ phòng dịch khác với giá cao gấp nhiều lần để trục lợi.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn, các chủ sở hữu website thương mại điện tử kiểm duyệt, ngăn chặn và loại bỏ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái cũng như xử lý mạnh tay với trường hợp nâng giá hàng hóa phục vụ phòng dịch.
Hiện tại, các sàn Sendo.vn, Shopee.vn, Chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn... đang tích cực phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thường xuyên rà soát và thông báo tới người bán về việc không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá gây mất ổn định thị trường.
Theo thống kê, tính đến ngày 8/4/2020, các website và sàn đã xử lý tổng cộng khoảng 16.800 gian hàng và khoảng 33.0 sản phẩm vi phạm.
Bộ Công Thương cũng khuyến váo đến người dân, doanh nghiệp về các chiêu trò lừa bán và hiện tượng đầu cơ, sản xuất, buôn lậu khẩu trang y tế kém chất lượng, không rõ xuất xứ nguồn gốc.
Nhằm tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã có thông báo chính thức về việc khuyến khích hoạt động mua sắm trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh.
Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo các website và sàn giao dịch thương mại điện tử hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân; ưu tiên hiển thị các sản phẩm phòng dịch và các nhu yếu phẩm để người dân dễ tiếp cận và mua sắm.
Mặt khác, các sàn thương mại điện tử thường xuyên kiểm tra, rà soát việc niêm yết giá nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm; phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai tiêu thụ hàng hóa, nông sản Việt.
Các sàn mở thêm kênh phân phối mới cho doanh nghiệp thông qua lựa chọn hàng hóa phù hợp, đủ điều kiện và tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu để tổ chức xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đồng thời Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số lập Đề án thúc đẩy thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh từ nguồn lực của Nhà nước. Đề án sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ hai nhóm chính là người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng xây dựng chuyên trang hành động của ngành công thương ứng phó với dịch COVID-19 gây ra tại địa chỉ hanhdong.moit.gov.vn để cập nhật các nội dung liên quan đến hành động của Bộ Công Thương ứng phó dịch bệnh.
Thực tế, hoạt động thương mại điện tử đang phát triển mạnh trong “cơn bão” dịch COVID-19, theo ông phải chăng đây chỉ là hiệu ứng tạm thời hay sẽ trở thành xu thế mới của người tiêu dùng gắn liền với sự an toàn và hiệu quả?
Những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, nhiều giải pháp mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên các nền tảng công nghệ cũng phát triển hết sức mạnh mẽ, dần hình thành một nền kinh tế số tại Việt Nam.
Kinh tế số có những tác động rất sâu sắc đến hiệu quả phát triển và cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cũng như tạo ra sự thay đổi lớn trong môi trường lao động và các hoạt động kinh tế.
Thương mại điện tử được coi là lĩnh vực phát triển sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam và đang trở thành một công cụ không thể thiếu đối với doanh nghiệp để mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với sự bứt phá mạnh mẽ, những năm qua tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử luôn đạt từ 25 - 30%/năm. Riêng năm 2019, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đạt 27% với tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt 13 tỷ USD.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được khống chế, nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế bị tác động, ảnh hưởng xấu. Do vậy, thương mại điện tử đã và đang là xu hướng tất yếu trong giao dịch thương mại, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và phương thức kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Vậy ông có thể chia sẻ những mục tiêu cụ thể của kế hoạch trong giai đoạn này?
Bộ Công Thương đặt mục tiêu tới năm 2025 quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ đạt 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.
Bên cạnh đó, doanh số thương mại điện tử với người tiêu dùng cá nhân tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong thương mại điện tử; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng có hóa đơn điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đề xuất việc địa phương ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 50% doanh số giao dịch thương mại điện tử của toàn quốc; 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến.
Thêm vào đó, sẽ có 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.
Nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý kinh doanh tại sàn thương mại điện tử còn lỏng lẻo, chế tài xử phạt quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Vậy, để hoạt động này đi vào nề nếp cần có những quy định chặt chẽ ra sao để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thưa ông?
Xu hướng thương mại điện tử tăng mạnh cũng đi liền với các vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thời gian qua, nhiều vụ việc về bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các website thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý.
Để đẩy lùi vấn nạn này, Bộ Công Thương đã triển khai kế hoạch số 3304/QĐ-BCT và 2981/QĐ-BCT về đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại trong thương mại điện tử; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế quan lý thương mại điện tử.
Cùng với đó, Bộ cũng tiến hành rà soát phân loại và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giải quyết khiếu nại, tranh chấp trực tuyến và nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử.
Ngoài ra, Bộ cũng đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước về thương mại điện tử, cán bộ thực thi về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương và các đơn vị thuộc Tổng cục Quản lý thị trường.
Tuy nhiên, để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, không chỉ riêng Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan công an, ngân hàng, hải quan, thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với từng nhóm mặt hàng để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trong đó nhiều chế tài liên quan tới hành vi vi phạm về thương mại điện tử đã được bổ sung.
Bên cạnh đó, Bộ cũng rà soát, sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, nhất là nội dung liên quan tới việc thiết lập website và ứng dụng thương mại điện tử, hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện; minh bạch hóa thông tin sản phẩm và người bán; nâng cao trách nhiệm của chủ sàn; quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới; các mô hình kinh doanh mới…
Đồng thời, Bộ còn trình Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; trong đó chú trọng đầu tư công nghệ để phát triển thương mại điện tử theo chiều sâu, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển những ứng dụng tiên tiến để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, coi đây là một động lực cho sự phát triển của kinh tế số trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!