Phát biểu tại Diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, thương mại điện tử hiện tại không còn xa lạ với bất cứ ai; đặc biệt là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và đang trở thành lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp và xu hướng tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Thương mại điện tử Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm cao, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phát triển năng động nhất trên thế giới về lĩnh vực này.
Mặc dù, có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, tuy nhiên, nhiều tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hay Đông Nam Bộ vẫn còn có những hạn chế nhất định trong việc phát triển các mô hình kinh doanh hiện đại như: điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông còn chưa phát triển, nguồn nhân lực phát triển thương mại điện tử còn hạn chế, thói quen mua sắm, tiêu dùng hàng hóa còn duy trì mô hình truyền thống...
“Những hạn chế nói trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử nói riêng và kinh tế-xã hội khu vực này nói chung”, bà Oanh nhận định.
Bà Lê Hoàng Oanh hy vọng Diễn đàn sẽ trở thành sự kiện thường niên để các cơ quan, chính quyền các tỉnh trong vùng có thể nắm bắt thông tin, xu thế phát triển mới nhất của thương mại điện tử trong nước và thế giới, các doanh nghiệp sản xuất địa phương có cơ hội tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với các đối tác sản xuất thương mại điện tử uy tín trong nước và quốc tế. Đồng thời, tiếp cận với những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2022 quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Riêng đối với lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 7,2%. Có thể nhận thấy, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những lĩnh vực giao thương, trao đổi hàng hóa đa dạng hiệu quả, tăng trưởng nhanh và ổn định.
Tại thành phố Cần Thơ hiện có trên 1.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, chỉ số phát triển thương mại điện tử năm 2023 của thành phố Cần Thơ đứng thứ 9/63 tỉnh, thành; xếp hạng thứ 6 về chỉ số giao dịch thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp và khách hàng), thứ 13 về chỉ số giao dịch thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp và doanh nghiệp).
Dù tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tich UBND thành phố Cần Thơ, thương mại điện tử cũng còn bộc lộ không ít hạn chế, tồn tại chưa theo kịp sự phát triển của xã hội.
Cụ thể, hệ thống quản lý, thống kê thông tin các tổ chức, các nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ. Hoạt động kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo… tương đối phổ biến nhưng chưa được khai báo hoặc chưa đăng ký thông tin gây khó khăn trong quản lý nhà nước về thương mại và thất thu thuế nhà nước rất lớn.
Các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… đã và đang diễn ra gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng và gây thiệt hại đến hình ảnh của các doanh nghiệp thương mại điện tử chân chính.
“Với tốc độ phát triển nhanh của thương mại điện tử và chuyển đổi số, các quy định trong kinh doanh, giao dịch, thanh toán online cần phải điều chỉnh để nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước”, ông Hiện nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết thành phố sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các địa phương, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ nhằm tăng tính kết nối giữa các địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cùng nhau phát triển, góp phần đưa thương mại điện tử trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp đã được nghe đại diện các sàn thương mại điện tử Sendo, Shopee, FADO, Alibaba… chia sẻ về các giải pháp kết nối vùng cho doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ; thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản Nam Bộ qua kênh thương mại điện tử; chương trình đào tạo người bán hàng mới giúp người bán vận hành và bán hàng hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh phía Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới…