Bài 1: Chuyển mình
Theo báo cáo hàng năm SYNC Southeast Asia được thực hiện bởi Facebook và Công ty Bain & Company, Việt Nam được dự đoán sẽ là thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026 với tổng giá trị hàng hóa đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.
TMĐT là “xương sống” của logistics
Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT trong những năm gần đây cùng thói quen mua sắm trực tuyến được hình thành trong và sau đại dịch COVID-19 đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, khi giao nhận được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần định hình trải nghiệm của khách hàng trên hành trình mua sắm trực tuyến.
Báo hàng năm của SYNC Southeast Asia cho thấy, số người tiêu dùng kỹ thuật số dự kiến đạt 71% dân số Việt Nam vào cuối năm 2021, nâng tổng số người sử dụng TMĐT lên đến 53 triệu người. Với số lượng đơn hàng ngày một gia tăng và mở rộng sang các tỉnh thành khắp cả nước, việc đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển sẽ giúp đảm bảo việc vận chuyển được thông suốt, hạn chế thất thoát và hư hỏng hàng hóa so với việc xử lý thủ công, đồng thời rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng.
Còn theo nghiên cứu SYNC Đông Nam Á của Facebook và Bain & Company, đại dịch COVID-19 đã thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt. Khảo sát của Facebook và Công ty GroupM Việt Nam cũng cho thấy, người dân ở vùng nông thôn có tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến chiếm đến 46% (khoảng 30 triệu dân). Dự tính, chi phí hàng tháng dành cho ngành hàng tiêu dùng nhanh ở nông thôn sẽ tăng trung bình 7%/năm, nhanh hơn khu vực đô thị loại 1 (4%), tính từ 2020-2025. Từ đó, báo cáo cho rằng, trên 70% các ngành hàng vẫn có cơ hội để đẩy mạnh số lượng người tiêu dùng ở nông thôn so với ở đô thị loại 1. Đây chính là tiềm năng màu mỡ cho ngành logictics tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nhằm nắm bắt kịp thời nhu cầu và bối cảnh của thị trường hiện tại, các đơn vị vận chuyển không ngừng nâng cao năng lực và tối ưu giải pháp hậu cần để có thể mang lại những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Bởi trước đây, việc vận chuyển hàng hóa hầu như đều phụ thuộc ngành bưu chính viễn thông nên sự cạnh tranh của ngành này không cao. Nguyên nhân, khi công nghệ số chưa phát triển, việc mua hàng hóa online hay trên sàn TMĐT chưa nhiều nên ngành bưu chính hầu như độc quyền về vận chuyển.
Tuy nhiên, trong 3- 4 năm trở lại đây, khi Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt, việc chuyển đổi xu hướng mua sắm từ truyền thống sang online, nhất là trên các sàn TMĐT ngày càng nhiều. Đặc biệt, khi các sàn TMĐT phát triển và cạnh tranh nhau, thị trường logistics cũng chuyển mình và phát triển theo hướng dịch vụ số.
Có thể thấy, từ thời điểm năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ mua hàng trực tiếp đã dần chuyển sang mua, đặt hàng online (trực tuyến) diễn ra mạnh mẽ. Các trang TMĐT như Tiki, Sendo, Lazada, Shopee… cũng theo đó hoạt động nhộn nhịp hơn và cũng chính điều này đã góp phần giúp một số bộ phận logistics đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không bị thiệt hại quá nhiều.
Chính vì vậy, trong năm qua, các công ty logistics như Viettel Post, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, J&T Express, 247 Express, Ahamove, Lalamove, Ninja Van, Grab Express… vẫn “sống khoẻ” trong mùa dịch khi nhu cầu vận chuyển của người dân tăng cao đột biến.
Ngành logistics chuyển mình
Theo Viettel Post, có mặt tại thị trường Việt Nam được 15 năm, phủ sóng rộng khắp 63 tỉnh, thành toàn quốc với hơn 1.800 bưu cục, 6.000 điểm giao nhận và 10.000 đối tác với gần 1.000 phương tiện di chuyển, đơn vị có lợi thế rất lớn về năng lực công nghệ so với các đối thủ cạnh tranh. Công ty này thể hiện chiến lược chuyển mình thành một công ty công nghệ logistics chứ không đơn thuần là một doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát. Chỉ tính luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, Viettel có doanh thu đạt 10.450 tỷ đồng, tăng 52,6%, lợi nhuận đạt 275 tỷ đồng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, Giao hàng tiết kiệm - một trong những đơn vị theo sau Vietnam Post nhưng cũng đã phủ sóng 63 tỉnh, thành với 8.000 tài xế thực hiện 100 triệu đơn hàng/năm. Với Giao hàng nhanh - một trong số những công ty trẻ, nhưng cũng đã có 7 năm kinh nghiệm, hiện có 500 bưu cục, 1.500 điểm gửi hàng, địa bàn rộng khắp 63 tỉnh, thành Việt Nam. Mỗi ngày, Giao hàng nhanh hoàn thành khoảng 300.000 đơn hàng.
J&T Express được thành lập từ năm 2015 tại Indonesia và chính thức du nhập vào thị trường Việt Nam từ tháng 7/2018. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng J&T Express vẫn sớm khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường bằng chất lượng dịch vụ tối ưu và thái độ phục vụ tận tâm. Hiện tại, J&T Express có quy mô 36 trung tâm khai thác và hơn 1.900 bưu cục trên khắp 63 tỉnh, thành; 25.000 nhân viên trên toàn quốc với lượng đơn hàng tăng từ 10.000 đơn/ngày (năm 2018) đến nay là hơn 150.000 đơn/ngày.
Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam cho biết, bên cạnh việc “bắt tay” với các sàn TMĐT lớn, đơn vị còn nỗ lực cải thiện phạm vi vận chuyển và gia tăng độ phủ tới đa tệp khách hàng. Bên cạnh đó, để đồng hành và hỗ trợ các chủ shop online kinh doanh hiệu quả, J&T Express cũng đã liên tiếp tổ chức chuỗi các chương trình khuyến mãi lớn như: vận chuyển đồng giá, giảm giá vận chuyển trực tiếp trên đơn hàng, tặng các phần quà giá trị cho chủ shop...
Với công ty vận chuyển Ninja Van, mặc dù có mặt 5 năm tại thị trường Việt Nam, nhưng trong 2 năm đương đầu với đại dịch COVID-19, công ty không chỉ cán mốc tăng trưởng 200% mà còn mở rộng mạng lưới bưu cục phủ khắp 64 tỉnh, thành trên toàn quốc. Cũng như J&T Express, hiện nay Ninja Van là đối tác nằm trong top 3 của các sàn TMĐT lớn nhất hiện nay như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…
Lalamove - doanh nghiệp đến từ Hong Kong, sau khi có mặt ở 112 thành phố của châu Á đã đổ bộ vào TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vào tháng 10/2017. Với mức chi phí phục vụ luôn ở mức giá cạnh tranh nhất, Lalamove đã hoàn thành hơn 10 triệu đơn hàng tại Việt Nam, 65% trong số đó là đơn hàng phục vụ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Với Lalamove, mặc dù đang ở bước đầu phát triển trong lĩnh vực chuyển phát nhanh, vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt, đặc biệt là với các tay chơi cứng cỏi đã hoạt động lâu năm đang chiếm ưu thế áp đảo thị phần.
Riêng Lazada, có mặt trên thị trường Việt Nam với bước đi ban đầu là sàn TMĐT, nhưng nhìn thấy tiềm năng của ngành logictics, đơn vị đã đầu tư thêm lĩnh vực này và đã xây dựng được một hệ thống logistics vững chắc của riêng mình, có khả năng tự vận chuyển hơn 80% lượng đơn hàng của Lazada trên thị trường.
"Điều này cho phép chúng tôi chủ động trong việc rút ngắn quy trình và thời gian giao hàng để đáp ứng tối đa nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong giai đoạn dịch bệnh cũng như bình thường mới", ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan chia sẻ. Cuối tháng 8/2021, nền tảng TMĐT này công bố thay đổi nhận diện thương hiệu cho mảng dịch vụ giao nhận là Lazada Logistics, đồng thời giới thiệu dịch vụ giao vận đa kênh (MCL).
Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), để nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics và chuyển phát hỗ trợ sự phát triển của TMĐT, các doanh nghiệp chuyển phát cần chú trọng tới việc hiện đại hóa quản lý, trang thiết bị, đặc biệt phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực cũng như với các doanh nghiệp logistics.
Bài cuối: Tăng tốc mở rộng thị phần