Tiềm năng phát triển cây mắc ca ở Sơn La

Cây mắc ca (Maccadamia) được đưa vào trồng tại tỉnh Sơn La từ năm 2000 theo dự án trồng khảo nghiệm. Sau 15 năm triển khai, đến nay tổng diện tích cây mắc ca tại tỉnh khoảng 100 ha trồng trên địa bàn các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La.


Ông Vũ Đức Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Sơn La, cho biết: Sau gần 15 năm cây mắc ca được trồng thử nghiệm, cùng với diện tích mắc ca tự trồng của người dân, có thể khẳng định bước đầu đã cho kết quả khả quan, cây sinh trưởng và phát triển khá, đặc biệt một số diện tích mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt. Cây mắc ca có thể trồng và phát triển tốt trên diện tích đất trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, đất vườn tạp trên địa bàn tỉnh Sơn La, thích nghi với phương thức trồng phân tán, trồng hỗn giao xen với các loài cây công nghiệp, cây ăn quả như cà phê, chè.

Cán bộ kỹ thuật Chi cục Lâm nghiệp Sơn La kiểm tra chất lượng cây mắc ca trồng xen canh với vườn cà phê tại địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.


Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La (số 2024-TB/TU ngày 21/4/2015) khẳng định: Hiện nay, một số mô hình trồng cây mắc ca đã định hình (ở giai đoạn ổn định) cho sản lượng quả tương đối cao. Cây mắc ca là cây chịu được sương muối, chịu hạn, chịu đất bạc màu, ít sâu bệnh, có khả năng che tán nhiều loại cây (cà phê, cây ăn quả, cây chè…), không ảnh hưởng đến việc phát triển các cây trồng hiện có; là một loại cây trồng bổ sung để khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu của tỉnh từng bước tăng thêm việc làm, thu nhập cho người dân, tạo tiềm năng đầu tư các doanh nghiệp, có thể phát triển thành cây trồng rừng (ở đất trống, đồi núi trọc), góp phần bảo đảm việc phát triển rừng bền vững.

Kinh nghiệm của những người trồng cây mắc ca tại Sơn La cho biết, thời gian ra hoa từ tháng 2 đến tháng 3, đậu quả từ tháng 4 đến tháng 7, sau tháng 7 đến tháng 9 là mùa quả chín và có thể cho thu hoạch, nếu chăm sóc tốt sẽ được 20 kg quả/cây.

Sơn La cũng như các tỉnh Tây Bắc là địa phương có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khá thuận lợi cho việc phát triển cây mắc ca.


Hiện tại, ở Sơn La cây giống mắc ca đã được nhiều đơn vị, hộ gia đình ươm tạo, ghép đảm bảo chất lượng và được kiểm soát với đơn giá cây ghép từ 50.000 - 70.000 đồng. Phương thức trồng xen cà phê, chè, cây ăn quả và một số vườn tạp đã được kiểm chứng cho thấy hiệu quả kinh tế cao, có thể nhanh chóng nhân diện rộng. Mắc ca cũng trở thành cây tạo bóng mát cho cà phê và giúp cân đối thu nhập cho nông dân khi giá cà phê biến động như những năm vừa qua. Ngoài ra, qua thực tế trồng xen như vậy có thể bảo vệ cho cây cà phê tránh được sương muối trong mùa đông.

Theo đánh giá của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Sơn La, diện tích mắc ca được trồng bằng phương pháp cây ghép sau 3 năm đã bắt đầu ra hoa, bói quả, sản lượng bình quân đạt 3 đến 4 kg quả/cây. Đối với diện tích trồng bằng cây thực sinh (cây ươm từ hạt) sau 5 đến 8 năm mới bắt đầu ra hoa và cho bói quả, sản lượng bình quân đạt 3 đến 4 kg quả/cây.

Tỉnh Sơn La khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng các hộ nông dân tham gia trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây mắc ca, đồng thời có chính sách hỗ trợ phát triển cây mắc ca đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó chú trọng ngay từ khi tuyển chọn giống đến quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân trong tỉnh trồng xen cây mắc ca trên diện tích cây cà phê, nương chè, cây ăn quả, vườn tạp và trên diện tích đất rừng nghèo kiệt. Tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất giống nhằm cung cấp giống đảm bảo chất lượng có kiểm soát trên địa bàn.

Ông Đào Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động tỉnh Sơn La, cho biết: Trung tâm đã trồng khảo nghiệm 1 ha từ năm 2003. Thấy cây phát triển tốt, năm 2014 Trung tâm tiếp tục trồng mới 10 ha theo mô hình thâm canh giống ghép (nguồn giống OC, 246, 849, 816). Tại trung tâm đang xây dựng mô hình nhân giống cây mắc ca bằng phương pháp ghép cành với diện tích 5.000 m2, công suất 20.000 cây giống/năm. Theo đó cung cấp giống đạt tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật trồng thâm canh cây mắc ca cho các đơn vị, hộ gia đình.

Theo số liệu của Viện Điều tra quy hoạch rừng - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sơn La cũng như các tỉnh Tây Bắc là địa phương có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khá thuận lợi cho việc phát triển cây mắc ca. Tại vùng Tây Bắc, có diện tích tiềm năng trồng cây mắc ca khoảng trên 58.000 ha, diện tích phù hợp với việc trồng cây mắc ca.

Để phát triển trồng cây mắc ca trong năm 2015 và những năm tiếp theo, ngành chức năng của tỉnh Sơn La đang triển khai đánh giá các vùng cụ thể trồng được cây mắc ca có hiệu quả trong quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp của địa phương, làm cơ sở pháp lý để triển khai phát triển bền vững cây mắc ca trên địa bàn.
Điêu Chính Tới
Người dân trồng cây mắc ca được đóng bảo hiểm 'rủi ro'
Người dân trồng cây mắc ca được đóng bảo hiểm 'rủi ro'

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bảo Long ký kết Biên bản ghi nhớ liên kết cung cấp sản phẩm bảo hiểm liên quan đến cây mắc ca tại Việt Nam, nhằm bảo đảm lợi ích cho người dân nếu có rủi ro khi tham gia trồng loại cây này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN