Chủ động xuống đồng sản xuất
Ngay sau Tết, tranh thủ thời tiết ấm áp, nông dân các địa phương tại tỉnh Nam Ðịnh đã xuống đồng sản xuất, bảo đảm khung lịch thời vụ. Vụ xuân năm 2021, tỉnh Nam Ðịnh gieo cấy khoảng 72.100 ha lúa, các địa phương cấy từ ngày 16/2 và phấn đấu hoàn thành trước ngày 25/2.
Tại tỉnh Tuyên Quang do đầu vụ thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài không thể xuống giống trà chính vụ, chỉ còn trà xuân muộn, trong khi khung lịch trà muộn đến ngày 25/2 kết thúc. Ðể bảo đảm tiến độ, ngay sau Tết Nguyên đán, nông dân các địa phương đang tập trung xuống đồng gieo cấy lúa. Theo kế hoạch vụ xuân năm 2021 toàn tỉnh gieo cấy gần 18.600 ha lúa, phấn đấu đạt năng suất tạ/ha trở lên.
Tại Nghệ An, tranh thủ thời tiết nắng ấm sau Tết, nông dân các địa phương tỉnh Nghệ An khẩn trương bắt tay vào sản xuất vụ đông xuân, bảo đảm khung lịch thời vụ. Vụ đông xuân 2020 - 2021, tỉnh Nghệ An gieo cấy khoảng 90.000 ha lúa.
Tỉnh Thái Bình chỉ đạo các huyện, thị xã có tỷ lệ cấy trước Tết Nguyên đán thấp khẩn trương xuống đồng gieo cấy, hoàn thành cấy trước ngày 25/2 để bảo đảm khung thời vụ tốt nhất.
Tỉnh Hoà Bình phấn đấu gieo trồng diện tích lúa đông xuân 2021 đạt khoảng 16.500 ha. Ngay trong những ngày áp Tết Nguyên đán Tân Sửu, nông dân các địa phương trong tỉnh tranh thủ xuống đồng, tập trung thực hiện kế hoạch sản xuất gieo trồng vụ Xuân 2021.
Với sự chủ động và quyết tâm cao của các địa phương, lịch thời vụ đang được tuân thủ chặt chẽ với hy vọng có một vụ mùa thắng lợi.
Chuẩn bị cho những thành công của vụ đông xuân
Theo Bộ NN&PTNT, vụ đông xuân 2020 - 2021 cả nước gieo cấy đạt hơn 2,27 triệu ha lúa. Trong đó, các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ sẽ gieo cấy khoảng 522.000 ha.
Ðể bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi ở các địa phương đã tăng cường vận hành công trình đưa nước lên ruộng từ nguồn nước đã tích trữ trong hệ thống kênh mương, nguồn nước sẵn có trong nội địa và nguồn nước sông, nếu đủ điều kiện vận hành.
Tổng cục Thủy lợi cho biết, sau 2 đợt lấy nước đổ ải, hiện diện tích có nước gieo cấy lúa vụ đông xuân khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ đã đạt trung bình 84,9%. Dự kiến, đến trước đợt 3 lấy nước đổ ải từ ngày 22 đến 27/2, lượng nước đổ ải đạt trung bình toàn khu vực từ 90% - 95%, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân gieo cấy.
Với việc Hà Nội hiện mới lấy được 60% nước đổ ải, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Đợt 3 lấy nước sẽ giữ mực nước ở trạm thủy văn Sơn Tây là 2,5m trở lên, tập trung chủ yếu cho Hà Nội đảm bảo mục tiêu đủ nước cho những diện tích gieo cấy trong năm nay.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với những khó khăn về sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản trong thời gian sắp tới.
Theo đó, các địa phương tăng cường phòng, chống dịch, theo dõi thường xuyên tình hình sản xuất nông nghiệp, chủ động xây dựng các phương án ứng phó trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản thực phẩm khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Nhận định về vụ đông xuân 2020 - 2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trên cơ sở điều hành lấy nước đổ ải cũng như sự quyết liệt của chính quyền địa phương và nông dân cùng gieo cấy trong khung thời vụ, dự kiến vụ Đông Xuân năm nay sẽ tiếp tục thắng lợi.
“Vụ đông xuân năm nay “được ải” vì khi cày xong đã có nắng, nếu việc điều hành lấy nước hợp lý, cùng với sự tích cực của bà con nông dân xuống đồng lấy nước đúng lịch thời vụ, đây sẽ là năm vụ đông xuân ở đồng bằng sông Hồng tiếp tục được mùa”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định.
Trong khi đó, báo cáo của Cục Trồng trọt cho thấy, vụ lúa đông xuân 2020 - 2021, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đang có diễn biến khá thuận lợi. Theo lịch, các địa phương khu vực xuống giống hơn 1,5 triệu ha ở giai đoạn tháng 10/2020, giảm 30.000 ha so với vụ đông xuân 2019 - 2020. Đến thời điểm hiện tại, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng 350.000 ha và theo dự kiến sẽ đạt 550.000 ha vào cuối tháng 2. Các diện tích còn lại sẽ được thu hoạch vào tháng 3, tháng 4 năm nay và một số ít ở tháng 5. Như vậy, trong số các địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long làm vụ đông xuân 2020-2021, chỉ có một ít diện tích tích được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.
Tuân thủ lịch sản xuất, chủ động điều tiết nước và các điều kiện thủy lợi trong khi vẫn huy động được sự tập trung gieo cấy, chăm sóc lúa của người dân đang là hướng đi mang lại hiệu quả rõ rệt cho các vụ lúa và rau màu trên cả nước.