Đây là nhận định của các chuyên gia tại Toạ đàm "Dự báo kinh tế Việt Nam và Thành phố năm 2023" do Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 25/2.
Thách thức xen lẫn cơ hội
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh thông tin, kết quả khảo sát cuối năm 2022 đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dần đi vào ổn định. Hầu hết doanh nghiệp xác nhận doanh thu đã cơ bản tạm ổn ở mức 64%, tăng đáng kể so với 57% của quý III/2022. Mặc dù vậy, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỷ lệ 26%. Điều này cho thấy, một số doanh nghiệp đang có dấu hiệu thấm khó khăn khi đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ.
Theo ông Phan Đình Tuệ, bên cạnh những tín hiệu tích cực trong kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang đối mặt với khá nhiều khó khăn nhất định. Cụ thể, các doanh nghiệp dệt may, chế biến gỗ, xây dựng đều giảm sút đơn hàng xuất khẩu ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU…
Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất từ cuối năm 2022; những doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền. Trong khi đó, đại diện của các ngân hàng thương mai cho biết, ngân hàng thiếu tính thanh khoản. Nhà đầu tư có dấu hiệu bị suy giảm niềm tin nên khả năng huy động vốn sụt giảm. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra.
Nhận định về tình hình kinh tế năm 2023, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam và Tp. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các xu hướng kinh tế thế giới như lạm phát, suy thoái.
Theo đó, kinh tế thế giới năm 2023 nhiều khả năng suy thoái nhẹ so với đà phục hồi nửa đầu năm 2022. Các yếu tố bất định như chiến tranh, dịch bệnh tiếp tục tăng, lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh chuỗi cung ứng chưa được hoá giải. Lợi nhuận biên của doanh nghiệp giảm, đà phục hồi kinh tế giảm, nhiều diễn biến cục bộ khó lường.
Tuy nhiên, vẫn có những triển vọng nhất định cho kinh tế Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng nhờ chủ động mở cửa sớm, các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu phục hồi khá đồng đều. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa từ đầu năm 2023 cũng mang lại những cơ hội cho một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, đặc biệt là du lịch trong thời gian tới.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc Chính phủ tích cực trong việc triển khai các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế như đẩy mạnh đầu tư công, giữ vững kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế sẽ tạo động lực và môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục lại đà tăng trưởng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cho rằng, suy thoái, khó khăn là điều khó tránh khỏi bởi kinh tế Việt Nam mở và hội nhập sâu. Tuy nhiên, bên cạnh nguy cơ, thách thức vẫn có những cơ hội nhất định, quan trọng là doanh nghiệp có đủ năng lực, sự linh hoạt và cơ chế quản lý có đủ thông thoáng để tận dụng hay không.
“Ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của dịch COVID-19, vẫn có những doanh nghiệp kinh doanh tốt với doanh thu tăng so với trước dịch. Những sản phẩm xa xỉ vẫn được tiêu thụ nhưng dưới hình thức mới là thương mại điện tử, đặt hàng – giao hàng tận nhà.”, ông Jonathan Hạnh Nguyễn nêu dẫn chứng.
Tạo động lực tăng trưởng
Để giảm những tác động tiêu cực từ suy thoái, lạm phát toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần tạo ra cơ chế, động lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay hầu hết doanh nghiệp đang khó tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng. Lý do là các ngân hàng đưa ra là đang hết room tín dụng, không có nguồn tiền gửi để cho vay, doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo đáp ứng quy định để vay…
Ngân hàng cần nhận diện các khó khăn một cách đa chiều để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lành mạnh, nới rộng các điều kiện cho vay, tỷ lệ thế chấp, cầm cố tài sản vay. Ngân hàng Nhà nước cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh, nhằm hạ lãi suất vay. Thậm chí, việc khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay.
Đồng thời, để giải quyết tình hình hết sức khó khăn của doanh nghiệp hiện nay nên tiếp tục áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% cho tất cả các ngành kinh tế, không phải chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023. Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện luật thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu sửa đổi một cách triệt để. Không để tình trạng nhập nguyên thiết bị máy móc thì thuế nhập khẩu 0-10% hoặc miễn thuế, trong khi chế tạo máy trong nước phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng thì có thuế nhập khẩu lên đến 15% như hiện nay sẽ không khuyến khích doanh nghiệp chế tạo trong nước phát triển.
Hiệp hội doanh nghiệp cũng kiến nghị: Thành phố Tp. Hồ Chí Minh siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính tối đa nhất có thể để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Bởi hiện tại, việc này đã cải thiện tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, vẫn còn rất nhiều bộ phận công chức thờ ơ và chưa tích cực. Các sở, ngành thường xuyên thông tin cập nhật cho Hiệp hội các chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển của thành phố nhanh chóng và kịp thời hơn.
Về phía doanh nghiệp, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều rủi ro khó đoán định, doanh nghiệp cần áp dụng triệt để mô hình 6Rs (Repond -thích ứng linh hoạt; Recover - phục hồi càng nhanh càng tốt; Restructure - tái cấu trúc; Reinvent - đổi mới, sáng tạo; Risk management - quản lý rủi ro; Resilience - tăng tính tự cường, khả năng chống chịu các cú sốc). Bản thân doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, quản trị điều hành và văn hóa kinh doanh minh bạch và chuẩn mực, tiên phong đổi mới – sáng tạo, nắm bắt và thực hành xu hướng kinh doanh “xanh” và chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) chia sẻ: Một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế là tiêu dùng. Mặc dù hiện nay doanh thu bán lẻ có xu hướng phục hồi nhưng cấu trúc tiêu dùng của người dân đã thay đổi, tập trung vào hàng hoá thiết yếu nhiều hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có xu hướng quay về khai thác thị trường nội địa, hướng tới thị trường 100 triệu dân, kể cả các doanh nghiệp trước đây chỉ sản xuất xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, xuất khẩu khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp quay về thị trường trong nước là điều dễ hiểu, và thị trường tiêu dùng Việt Nam với 100 triệu dân cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, việc khai thác thị trường trong nước cũng không phải dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp trước nay “bỏ quên” người tiêu dùng trong nước. Chưa kể, ngay tại sân nhà, doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh gay gắt với rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Minh chứng là chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, Saigon Co.op đã tiếp hơn 10 đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến chào hàng.
Chính vì vậy, thay vì đầu tư dàn trải, khi khó khăn doanh nghiệp cần định vị lại năng lực, phân khúc thị trường chính để tập trung cho các lĩnh vực, sản phẩm thế mạnh. Ngoài ra, nắm bắt và vận dụng các chính sách, chiến lược phát triển của Chính phủ cũng như thành phố để chuyển đổi sang xu hướng sản xuất, tiêu dùng xanh, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.