Tại Cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung) có gần 30 công nhân tất bật thực hiện những công việc làm nem như: chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu, phụ liệu; phối trộn nem, ủ nem; bao gói; bảo quản nem thành phẩm… Chị Đặng Thị Ngọc Thùy, chủ Cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh cho biết, nhiều khách hàng chọn mua nem để dùng và đãi khách trong những ngày Tết sắp đến. Gần đây, tỉnh tổ chức lễ hội hoa, kiểng Sa Đéc và các vườn quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung mở cửa đón khách tham quan. Du khách đến Lai Vung thường ghé mua nem về làm quà cho người thân nên việc kinh doanh của cơ sở rất tốt.
Chị Đặng Thị Ngọc Thùy cho biết thêm, Cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh hình thành và phát triển 20 năm nay. Suốt thời gian qua, cơ sở cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ gìn và phát triển thương hiệu nem Lai Vung. Chị Thùy rất phấn khởi vì tình hình tiêu thụ nem thuận lợi. Ngày thường, cơ sở sản xuất từ 5.000 - 6.000 sản phẩm mỗi ngày, gồm nem, bì, chả các loại nhưng chủ yếu là nem. Hiện tại, mỗi ngày, việc tiêu thụ của cơ sở tăng gấp đôi. Cá biệt, có những ngày cơ sở bán được trên 20.000 sản phẩm, nhiều gấp 3 - 4 lần so với bình thường.
Đặc sản nem Lai Vung truyền thống làm từ thịt lợn, da lợn, lá vông, lá chùm ruột… và được gói trong lá chuối. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các cơ sở sản xuất nem ở Lai Vung tích cực tìm tòi, đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài những chiếc nem truyền thống (chiếm đa số), các cơ sở còn sản xuất một số mặt hàng khác như nem chua quế, nem đòn, bì dai, bì sỏi, bì mắm, chả lụa trứng muối, chả ớt xiêm xanh, ba tê trứng muối...
Theo nhiều cơ sở sản xuất nem ở huyện Lai Vung, hiện nay, tuy thị trường đang hút hàng, sản lượng tăng gấp đôi so với ngày thường nhưng giá bán nem, bì, chả các loại vẫn ổn định. Nem vẫn bán từ 20.000 - 60.000 đồng/chục (10 chiếc nem), giá bán tùy thuộc vào trọng lượng mỗi chiếc nem và chất lượng nguyên liệu. Những năm trước, từ khoảng 25 tháng Chạp đến Tết Nguyên đán, giá bán các sản phẩm nem, bì, chả sẽ tăng vì nguyên liệu, chủ yếu là thịt lợn có giá bán cao hơn.
Các cơ sở sản xuất nem đã góp phần tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho khoảng 300 lao động địa phương. Chị Võ Ngọc Lý, công nhân Cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh cho hay, nghề nem sản xuất quanh năm nên công việc và thu nhập của chị ổn định với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Ở nông thôn, nguồn thu nhập như vậy là khá tốt, cuộc sống đảm bảo. Nơi làm việc gần nhà nên cũng tiện việc quán xuyến gia đình. Vì vậy, chị đã gắn bó với cơ sở sản xuất nem gần 20 năm qua.
Gần đây, nghề làm nem Lai Vung được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và cũng đã được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là nghề truyền thống. Năm 2012, Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận nem Lai Vung nằm trong top 10 đặc sản nem, chả nổi tiếng Việt Nam. Đến năm 2013, nem Lai Vung nằm trong top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công bố.
Nghề làm nem Lai Vung được hình thành và phát triển hơn 60 năm qua. Tuy trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghề truyền thống này vẫn tồn tại và phát triển. Nếu ban đầu chỉ có một vài hộ làm nem thì đến nay, toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất nem, với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Út Thẳng, Hoàng Khánh, Giáo Thơ, Thanh Sơn, Cô Hiệp, Thanh Xuân… Mỗi ngày, các cơ sở làm ra hàng trăm nghìn chiếc nem, cung ứng cho thị trường trong tỉnh Đồng Tháp và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với giá trị tổng sản lượng ước đạt hơn 60 tỷ đồng/năm.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề, nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất nem Lai Vung, không ngừng đầu tư về máy móc, cũng như cơ sở vật chất để cải thiện chất lượng sản phẩm, chú trọng thiết kế bao bì, nhãn mác.
Các công việc gồm: xay da và thịt lợn, trộn thịt lợn, định lượng viên nem, bao nem... đều thực hiện bằng máy móc, giúp nâng cao năng suất lao động. Một số cơ sở làm nem Lai Vung đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, 4 sao, có mặt trong top những mặt hàng quà tặng đặc sản địa phương.
Theo Bí thư Huyện ủy Lai Vung Võ Hoàng Cương, thời gian tới, địa phương tiếp tục động viên các gia đình, cơ sở sản xuất nem Lai Vung giữ gìn và phát triển nghề làm nem truyền thống giúp vừa tăng thu nhập, vừa góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân Lai Vung.
Mặt khác, đẩy mạnh phát triển du lịch; trong đó, có du lịch trải nghiệm nghề làm nem Lai Vung. Du khách đến tham quan và có thể tự tay làm một công đoạn nào đó trong quy trình sản xuất nem Lai Vung.