Tìm cách đưa nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam muốn vào hệ thống phân phối nước ngoài cần tuân thủ các yêu cầu về môi trường và chất lượng.

Phát huy các lợi thế

Ông Vincent Gothknecht, Trưởng đại diện Công ty I.Schroeder (Đức) cho biết, Việt Nam đang có lợi thế lớn về xuất khẩu nông sản sang thị trường EU nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Châu Âu là thị trường khó tính với nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, vì vậy doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định này. Cụ thể, các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, phải đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường, lao động...

Ông Vincent Gothknecht cũng cho biết thêm, hiện có khoảng 50 nhà cung ứng tại Việt Nam cung cấp các sản phẩm nông sản như: vải, dứa, chanh dây và hàng thủy sản cho công ty. Theo đó, chất lượng sản phẩm không còn là vấn đề với nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, điểm nghẽn mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải chủ yếu là yêu cầu về môi trường, việc giảm phát thải, trung hòa carbon… Nhiều nhà mua hàng muốn những nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của họ phải trung hòa carbon nghĩa là phải ưu tiên sản xuất xanh. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không đạt được tiêu chuẩn này sẽ mất cơ hội xuất khẩu hàng hóa đi thị trường quốc tế.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm nông sản Việt Nam muốn vươn xa cần tuân thủ các quy định về môi trường và chất lượng hàng hóa.

Đại diện Công ty MM Mega Market Việt Nam cho biết, mỗi thị trường sẽ có những thách thức và rào cản khác nhau, từ kỹ thuật đến thương mại khiến nông sản Việt Nam khó vươn xa. Chẳng hạn, những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, ngoài các yêu cầu tiêu chuẩn từ nhà nhập khẩu, hàng Việt Nam như thanh long, bưởi, dừa phải đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt quá giới hạn tối đa cho phép. Ngoài ra, các sản phẩm cung cấp phải có đủ mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, nhà nhập khẩu cũng quan tâm việc duy trì mức giá tốt nhất trên thị trường khi thu mua. Còn đối với thị trường khó tính khác như Hàn Quốc, với mặt hàng yêu thích là thanh long thì trái thanh long phải thông qua các bài kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vỏ phải được làm sạch bằng công nghệ xử lý hơi nước nóng (VHT) để triệt tiêu trứng vi sinh nhưng vẫn đảm bảo màu sắc tươi mới. Bên cạnh các yêu cầu về chất lượng, kích cỡ, màu sắc ruột, họ thường yêu cầu thanh long ruột trắng.

Trong khi đó, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Central Retail đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan” nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, gia tăng cơ hội bán hàng vào kênh phân phối của Thái Lan. Vì vậy, có thể thấy, doanh nghiệp nông sản muốn vào các kênh phân phối nước ngoài cần phải nắm rõ thông tin thị trường. Mặt khác, khi tham dự các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối xuất khẩu, doanh nghiệp Việt nên đem đến câu chuyện sản phẩm thay vì những sản phẩm thông thường. Vừa qua, có sản phẩm bánh phòng tôm của một doanh nghiệp tại Cà Mau, nhờ câu chuyện và sự chủ động giới thiệu sản phẩm bánh phồng tôm mà sản phẩm này được các hệ thống phân phối tại Thái Lan lựa chọn bán trong kênh phân phối của họ. 

“Doanh nghiệp nông sản Việt khi có cơ hội tham gia hội chợ thì cần phải tìm hiểu thị trường, cũng như sự chuẩn bị về nguồn hàng để cung ứng khi thị trường nước ngoài có nhu cầu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị hồ sơ giấy tờ liên quan đến sản phẩm cụ thể, rõ ràng để các đối tác không mất thời gian tìm kiếm thông tin sản phẩm  khi cần”, ông Paul Le cho biết thêm. 

Phải có các chứng nhận an toàn

Theo bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), gần đây, xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam đang có nhiều bứt phá, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số. Năm 2022, xuất khẩu nông, lâm thủy sản của Việt Nam đạt 53,2 tỉ USD, tăng gần 10% so với 2021. Trong đó có nhiều nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD như gỗ, thủy sản, cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều...

"Đặc biệt trong năm 2022, nhiều loại nông sản của nước ta như chuối tươi, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng… được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường phát triển và có tiêu chuẩn cao trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây. Năm 2023, trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn, đặc biệt là lạm phát tăng cao ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được dự báo vẫn sẽ vượt qua con số 50 tỉ USD. Hiện nay, Việt Nam là nhà cung ứng trong Top 3 thế giới về cà phê, lớn thứ nhất về hạt điều, lớn thứ nhất về hạt tiêu, lớn thứ ba về gạo …", bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng nông sản cần có chứng nhận an toàn khi tiêu thụ trong hệ thống phân phối tại nước ngoài. 

Theo bà Nguyễn Thảo Hiền, trong số các sản phẩm nông sản, rau quả là một trong những điểm sáng trong các nhóm ngành hàng xuất khẩu của nước ta. Dự báo cả năm 2023, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử là 5 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, năm 2023, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường hấp dẫn nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ sau hậu COVID-19 cộng với lợi thế về vị trí địa lý gần, khiến chi phí logistics và rủi ro về thời gian thấp hơn các thị trường khác.

"Vì vậy, doanh nghiệp nông sản, thực phẩm chế biến muốn vươn xa, trước tiên cần phát huy vai trò đầu tàu quan trọng không chỉ hướng dẫn cho bà con sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, đặc biệt là ưu tiên các sản phẩm xanh, còn cần tuân thủ theo các yêu cầu về văn hóa giao dịch, thương mại điện tử. Trên cơ sở đó, bà con tuân thủ theo quy trình nhất định vì liên quan đến cam kết, hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm… Về lâu dài, hiện nay, các quy định về bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như EU, Bắc Mỹ và các thị trường Đông Bắc Á ngày càng chặt chẽ hơn. Vì vậy, các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ và các sản phẩm phái sinh tại EU cũng phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU", bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết.

Tương tự, ông Vincent Gothknecht cũng cho rằng, doanh nghiệp nông sản Việt Nam muốn xuất khẩu vào EU trước tiên phải có chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn môi trường, lao động… Để làm được điều này, doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư nguồn lực khá lớn. Song đây là yêu cầu bắt buộc để thâm nhập thị trường. "Chiến lược đường xa có thể thua trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài chắc chắn doanh nghiệp sẽ thắng. Bởi kinh tế xanh, nông nghiệp xanh là xu hướng trong tương lai. Doanh nghiệp Việt muốn duy trì mạch phát triển xuất khẩu phải đầu tư ngay chứ không đợi chờ sẽ mất nhiều cơ hội", ông Vincent Gothknecht nói.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh hợp tác đưa nông sản OCOP đến tận tay người tiêu dùng
TP Hồ Chí Minh hợp tác đưa nông sản OCOP đến tận tay người tiêu dùng

Chiều 14/8, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các sở, ngành và các đơn vị tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng ba nội dung: Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP”, thương hiệu nông sản Cần Giờ và sàn giao dịch thịt heo TP Hồ Chí Minh nhằm đưa nông sản OCOP đặc trưng của thành phố đến tận tay người tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN