Nháo nhác một vùng bò sữa
Có mặt tại Tổ 2, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) chiều ngày 6/8, phóng viên TTXVN chứng kiến 1 con bò sữa nặng khoảng 600 kg của gia đình ông Trần Đình Nam vừa chết với triệu chứng xuất huyết rất nặng trước khi chết. Ông Nam cho biết, từ ngày 25/7, cán bộ thú y xã Hiệp Thạnh đã tới gia đình ông tiêm vaccine chống viêm da nổi cục trên bò. Sau khoảng 10 ngày, cả đàn bò khoảng 50 con (trừ mấy con bò đang mang thai không chích) có biểu hiện sốt, bỏ ăn. Sau đó những con bị nặng đi ngoài ra máu tươi rồi chết. Những con không chích lại không có biểu hiện gì bất thường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, sinh năm 1978 ở tổ 19, thôn Bồng Lai cho biết, gia đình bà chích vaccine cho toàn bộ 17 con bò, sau 7 ngày, tất cả bò đều bị sốt, bỏ ăn. Trong 2 ngày 5- 6/8 đã có 2 con bò trưởng thành bị chết với triệu chứng tiêu chảy nhiều ngày, sau đó xuất huyết rồi chết. Bà rất lo cho cả đàn bò còn lại, bởi đều đang có triệu chứng của những con đã chết rồi.
Mới đây nhất sáng ngày 7/8, đàn bò của hộ ông Võ Văn Bây ở thôn Bồng Lại đã có 6 con bò trưởng thành trong đàn bị chết. Hiện gia đình ông rất lo lắng, chưa biết nguyên nhân căn bệnh và biện pháp chữa trị ra sao…
Các hộ gia đình khác trong thôn Bồng Lai có đàn bò ở tình trạng trên như hộ ông Bùi Đình Dũng, ông Ngô Đình Thục, bà Nguyễn Thị Phương, bà Phạm Thị Thu, ông Đinh Tấn Hùng… đều phản ánh tình trạng chung là tất cả những con bò tiêm vaccine đều bị bệnh. Những con bò đang mang thai sắp đến ngày sinh và bê chưa đến tuổi nên không tiêm vaccine theo khuyến cáo đều khỏe mạnh, không có triệu chứng gì bất thường. Nhiều con bò đang mang thai, sau khi tiêm vaccine đều bị sảy thai. Sản lượng sữa của toàn đàn bò giảm tới 80%, nên thu nhập của gia đình hầu như không còn…
Anh Phạm Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bồng Lai cho biết, tổng đàn bò của thôn là 3.400 con; trong đó có 2.800 con bò sữa. Thực hiện kế hoạch tiêm vaccine viêm da nổi cục, từ ngày 22- 28/7, toàn thôn đã tiêm được khoảng 80%. Sau 3 ngày tiêm, sản lượng sữa của đàn bò bỗng nhiên sụt giảm, tới ngày từ thứ 5 đến thứ 7 sau khi tiêm, bò bỏ ăn và xuất hiện tình trạng tiêu chảy. Sau đó nhiều con bò đi ngoài ra máu rồi chết, đó là tình trạng chung trên đàn bò của các hộ đã tiêm phòng vaccine. Còn những hộ chưa tiêm phòng vaccine, đàn bò không có biểu hiện gì, ăn uống khỏe, sản lượng sữa ổn định. Hiện tại toàn thôn Bồng Lai có 20 con bò đã chết, trên 2.000 con đang bị ảnh hưởng, có biểu hiện phát bệnh.
Anh Hiếu cho biết, 2 năm trước đàn bò của thôn cũng được nhà nước bố trí cho tiêm vaccine viêm da nổi cục, nhưng vaccine của nước ngoài nên không có biểu hiện gì bất thường. Năm nay tiêm vaccine do một công ty tại Bình Dương sản xuất, sau khi tiêm đã xuất hiện tình trạng như vậy, nên bà con rất thắc mắc về nguồn gốc của vaccine. Hiện tại những gia đình có bò chết đang rất hoang mang, đề nghị các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho bà con bởi đa số đều vay vốn ngân hàng. Nay nguồn thu từ sữa không còn nữa, bò lại có nguy cơ chết hàng loạt nên bà con đang rất hoang mang.
Qua kiểm tra thực tế, phóng viên TTXVN chứng kiến toàn thôn Bồng Lai còn 3 gia đình chưa tiêm vaccine viêm da nổi cục. Đó là hộ ông nguyễn Văn Quang đang sở hữu đàn bò 45 con; hộ ông Võ Văn Thiện có đàn bò 67 con và hộ ông Nguyễn Hoàng Cường với đàn bò 80 con. Tất cả bò của 3 hộ trên phần lớn là đều là bò sữa đều đang rất khỏe mạnh, sản lượng sữa không hề sụt giảm. Ông Võ Văn Thiện cho biết do ngày cán bộ thú y xuống chích vaccine, ông bận việc đi vắng nên cán bộ thú y để lại vaccine cho gia đình ông tự chích. Do mải công việc nên ông quên chưa chích, nên đàn bò của gia đình mới không xảy ra chuyện gì.
Chính quyền và cơ quan chức năng chưa tìm ra nguyên nhân
Liên lạc với ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng), ông Long cho biết đã nắm được thông tin trên và đang cử cán bộ đi lấy mẫu để xét nghiệm từ ngày 2/8. Cho đến thời điểm này, cơ quan chuyên môn vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân của bệnh tiêu chảy hàng loạt trên đàn bò. Trong sáng ngày 7/8, ông sẽ đi kiểm tra và tham gia cuộc đối thoại với người dân ở thôn Bồng Lai, sau đó làm việc với UBND huyện Đức Trọng. Hiện tại chưa có bất cứ thông tin gì về nguyên nhân bò phát bệnh, chết hàng loạt ở khu vực này.
Tuy nhiên, ngày 2/8, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã có văn bản số 313/CNTYTS về việc tạm dừng tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò sữa. Nội dung văn bản yêu cầu trung tâm nông nghiệp các huyện và 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tạm dừng tiêm vaccine viêm da nổi cục cho đàn bò sữa trên địa bàn toàn tỉnh cho đến khi có hướng dẫn của Chi cục. Lý do ngừng tiêm là theo báo cáo của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương, trên địa bàn 2 xã Ka Đô và Quảng Lập xuất hiện bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa từ ngày 26/7. Tính đến ngày 31/7 dã có 140 con bò mắc bệnh, 5 con đã chết.
Theo văn bản này, đàn bò sữa nuôi tại các hộ của xã Ka Đô và Quảng Lập trong tháng 7/2024 đã tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục. Đàn bò sữa của hộ chăn nuôi tại thị trấn Thạnh Mỹ chưa tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục, trên đàn bò sức khỏe bình thường, ổn định không có triệu chứng của bệnh. Qua kiểm tra lâm sàng, bò mắc bệnh có thể nghi do sinh vật gây rối loạn đường tiêu hóa, kết hợp mưa nhiều ngày gây môi trường ẩm ướt, bò giảm sức đề kháng tạo điều kiện vi sinh vật có cơ hội tấn công…
Tiếp đó ngày 5/8/2024, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản có văn số 318/CNTYTS có nội dung, hiện bệnh tiêu chảy đã xảy ra trên đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng. Tính đến ngày 4/8 đã có 2.973 con/140 hộ thuộc 5 xã có bò bị bệnh tiêu chảy. Qua kiểm tra lâm sàng, bò mắc bệnh có thể nghi do sinh vật gây rối loạn đường tiêu hóa, kết hợp mưa nhiều ngày gây môi trường ẩm ướt, bò giảm sức đề kháng tạo điều kiện vi sinh vật có cơ hội tấn công…
Ngày 7/8, phóng viên TTXVN đã liên lạc với lãnh đạo UBND 2 huyện Đức Trọng và Đơn Dương. Ông Nguyễn Đình Tịnh, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Đơn Dương cho biết, huyện chưa có thống kê số lượng đàn bò bị bệnh và chết. Tuy nhiên, số bò bị bệnh tập trung ở các xã Ka Đô, Quảng Lập, Đạ Ròn và nặng nhất là ở xã Tu Tra. Hiện tại, cơ quan chuyên môn của huyện đang tập trung tất cả mọi nguồn lực, triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại, chữa bệnh cho đàn bò bị bệnh. Ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, trong sáng 7/8, UBND huyện sẽ làm việc với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sau khi có thống kê thiệt hại và nguyên nhân tình trạng bò bệnh và chết hàng loạt, UBND huyện sẽ cung cấp cho các cơ quan báo chí…
Hiện tại, hàng trăm hộ dân chăn nuôi bò mà chủ yếu là bò sữa ở các xã của 2 huyện Đức Trọng, Đơn Dương đang rất hoang mang lo lắng trước tình trạng phát bệnh bất thường của đàn bò sữa. Người dân cho biết hầu hết các hộ dân chăn nuôi bò sữa đều thế chấp nhà cửa, ruộng đất để vay vốn ngân hàng mỗi hộ từ 2- 4 tỷ đồng. Bởi mỗi con bò sữa nặng từ 450- 750 kg có giá mua về khoảng 40- 60 triệu đồng. Nếu cơ quan chuyên môn không có giải pháp cứu chữa cho đàn bò đang mắc bệnh, hỗ trợ cho người chăn nuôi thì nguy cơ nhiều hộ gia đình sẽ lâm vào tình trạng phá sản.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có đàn bò sữa với khoảng 26.000 con, sản lượng sữa tươi đạt khoảng 300 tấn/ngày. Huyện Đơn Dương là địa phương đứng đầu toàn tỉnh về chăn nuôi bò sữa với gần 17.000 con. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 5 công ty với 26 trạm thu mua sữa tươi nguyên liệu phân bố trên toàn tỉnh. Đặc biệt, Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Kim Phát (VP milk) có nhà máy chế biến sữa tươi đặt tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương với công suất chế biến gần 60 tấn sữa/ngày…