Nâng cao kỹ năng sản xuất
Với quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa, nông dân phải có nhiều kỹ năng và kiến thức để thu được lợi nhuận cao nhất trên diện tích sản xuất nhỏ nhất mới có thể đảm bảo thu nhập, theo kịp tiến độ phát triển kinh tế của thành phố hiện nay.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2016, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 6150/QĐ-UBND về phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Quyết định này nêu rõ những nội dung và định hướng của việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn 2016-2018, thành phố đã hình thành một số vùng nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, sản xuất các loại hoa, cây cảnh, cá cảnh,… thì trong năm 2018, các dự án nông nghiệp công nghệ cao đã chuyển đổi sang trồng các loại rau ăn lá, rau ăn quả ứng dụng công nghệ cao, nâng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của thành phố lên 407 ha, tăng 4,8% so với năm 2017 (9ha). Nhờ đó, ngành nông nghiệp thành phố được góp phần nâng cao sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng chung của thành phố.
Theo đó, những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp trong suột thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao như mô hình công nghệ cao trong sản xuất hoa lan Mokara tại Củ Chi, sản xuất dưa lưới tại Hóc Môn, nuôi tôm nước lợ tại Cần Giờ, chế biến sữa bò tại Củ Chi,… rất phù hợp với định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị.
Để có sự đột phá, trong năm 2018, thành phố đã có 31 doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các chương trình ươm tạo tại khu Nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt và công nghệ sinh học. Ngoài ra còn có 600 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia lớp tập huấn về nâng cao năng lực kinh doanh và cung cấp kiến thức xây dựng thương hiệu, năng lực quản lý sản xuất nông nghiệp.
Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, TP Hồ Chí Minh còn phối hợp với nhiều cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp đào tạo kỹ thật ứng dụng công nghệ cao cho hơn 600 lao động tại khu vực nông thôn, 80 cán bộ trực tiếp nghiên cứu và sản xuất trong chăn nuôi bò sữa, trồng rau, hoa kiểng và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Đủ sản phẩm chất lượng cho xuất khẩu
Khi có nguồn nhân lực chất lượng trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, việc xúc tiến và đẩy mạnh sẽ ngày càng dễ dàng hơn. Như ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ kĩ thuật trong nông nghiệp để mở rộng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp thành phố.
Theo TS. Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, việc thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, tự động hóa quy trình trồng trọt, lập kế hoạch, chủ động sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn, đáp ứng được những nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp hiện nay là rất cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ để phát triển bền vững. Điều cần chú trọng ở đây là phải làm sao thay đổi tư duy của nhà nông, đổi mới cách vận hành sản xuất của người nông dân, hình thành được sự liên kết theo chuỗi giá trị.
Xác định rõ điều này, kể từ năm 2016, đặc biệt là trong năm 2018, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh đã có những bước tiến vượt bậc, đưa ra những sản phẩm nông nghiệp đủ khả năng xuất khẩu ra các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,…
Ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trong năm 2018, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhân giống in vitro khoảng 180.000 cây cấy mô các loại. Về thủy sản, Trung tâm cũng sưu tập thêm 5 dòng cá dĩa và 39 dòng cá cảnh trong việc thuần dưỡng, chọn tạo và nhân các giống cá cảnh phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thời gian tới, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục sàng lọc và tuyển chọn thêm các dòng lan Dendrobium mang gen mục tiêu có khả năng phát triển tốt từ nguồn mẫu cây lan chuyển gen hiện có, trồng thử nghiệm giống hoa cúc lùn Pico ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, trồng rau ăn lá trên hệ thống thủy canh và nhà máy sản xuất thực vật. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng nghiên cứu chọn tạo giống thuần và ứng dụng chỉ thị phân tử trong đánh giá dòng thuần trên các đối tượng dưa lưới, cà chua bi, ớt ngọt, dâu tây,…
Với những nỗ lực trong thời gian qua, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố đã mang lại hiệu quả kinh tế có thể thấy rõ cho nông dân thành phố. Đó là tiết kiệm nước, hiệu quả tưới cao, tiết kiệm điện, hướng đến sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, nông dân đủ giống chất lượng sản xuất theo các đơn hàng xuất khẩu, giảm nhân công, tăng thời gian bảo quản sản phẩm nông sản, không bị lỡ thời vụ, hạn chế sự bùng phát của sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng vật nuôi,… Chỉ riêng với cá cảnh, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2018 đạt hơn 20 triệu USD.