Hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tổ chức.
Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng với sự tham dự của khoảng 400 đại biểu trong nước và quốc tế tại điểm cầu Trung ương và trên 1.200 đại biểu tại các điểm cầu địa phương. Hội nghị tập trung vào các nội dung: Đánh giá tình hình phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; đề xuất, kiến nghị.
Dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ; sự tham mưu kịp thời của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện Chỉ thị 40, từ các bộ, ban, ngành đến các cấp ủy, chính quyền địa phương đã đưa tín dụng chính sách xã hội trở thành một nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch hoạt động của mình, để chỉ đạo cũng như giám sát thực thi. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kết nối với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt vai trò tuyên truyền, thực hiện và giám sát nguồn vốn chính sách. Cùng với đó là sự vào cuộc của hàng triệu đảng viên với vai trò cầu nối đưa chính sách vào cuộc sống.
Tín dụng chính sách xã hội được coi là một trong những giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước. Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện được tăng cường. Quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là những vùng nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến với những đối tượng dễ bị tổn thương; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội...