Tín hiệu lạc quan và cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam

Sáng 29/2, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2024 với chủ đề: "Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024".

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2024.

Xuất khẩu gạo nhiều cơ hội lẫn thách thức

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, lúa gạo là hàng hóa thiết yếu với trên 50% dân số trên thế giới tiêu thụ hàng ngày và được xếp vào mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, tình hình thương mại gạo toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều quốc gia…) đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của các nước trên thế giới.

Việt Nam, với vai trò là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, nên tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.

Tiếp tục thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn cho biết, năm 2024, giữa bối cảnh theo nhiều chuyên gia dự báo tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm.

Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 1/2024 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt.

Theo đó, thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Sự khởi đầu của El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết này đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.

Như vậy, cơ hội là rất lớn cho ngành và doanh nghiệp Việt Nam, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu khai mạc Hội nghị.

Địa phương, Thương vụ kiến nghị gì?

Trong khuôn khổ hội nghị, các diễn giả, đại biểu tham dự đã đưa ra những đánh giá, nhận định khách quan về cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.

Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, năm 2023, xuất khẩu gạo tại Long An đạt 920.000 tấn, tăng 63% về giá trị. Long An đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng, xuất khẩu gạo thơm, gạo trắng gạo nếp sang 40 quốc gia và lãnh thổ.

“Năm qua, được hỗ trợ của Bộ Công Thương, các Thương vụ tại các quốc gia đã dẫn nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Long An kết nối, giao thương. Chúng tôi mong muốn trong năm 2024, cơ quan của bộ và các cơ quan Thương vụ hỗ trợ địa phương kết nối, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu”, bà Châu Thị Lệ cho hay.

Ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 1 tỷ 1 triệu USD, tăng 2,08% so cùng kỳ, vượt 0,4% so với kế hoạch. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1 tỷ 179  triệu USD, tăng 2,75% so cùng kỳ, vượt 0,3% so với kế hoạch.

Riêng mặt hàng gạo, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất đến 60 thị trường khác nhau trên thế giới, đạt gần 580 nghìn tấn, tương đương 339 triệu USD; so với cùng kỳ tăng trên 9% về sản lượng và tăng gần 16% về kim ngạch. Thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường châu Á (Trung Quốc, Malaysia, Singapore,…), châu Phi (Ghana…), châu Âu (Pháp, Đức, Bồ Đào Nha,…), châu Mỹ (Mỹ, Brazil,…) và châu Đại Dương.

Để đạt được kết quả nêu trên, các doanh nghiệp tỉnh An Giang đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân, hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng lúa hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.

“Ước tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 của tỉnh đạt 1 tỷ 410 triệu USD, tăng 2,6% so cùng kỳ. Riêng mặt hàng gạo ước kim ngạch xuất khẩu năm 2024 xuất khẩu đạt 325 triệu USD; tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023”, ông Nguyễn Thành Huân cho hay.

Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang kiến nghị, tiếp tục duy trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, lập kênh thông tin nhanh về nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước. Qua đó, thông tin đến các doanh nghiệp để chủ động về giá trong đàm phán xuất khẩu ở thời điểm và cả hợp đồng tương lai, cơ quan đầu mối là Bộ Công Thương khi tiếp nhận thông tin từ các tham tán sẽ tiếp chuyển gửi vào nhóm email của Sở Công Thương các tỉnh có lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu lớn.

Cùng với đó, hiện nay tỉnh An Giang đang cùng với doanh nghiệp của tỉnh, triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sau khi có sản phẩm gạo thương hiệu, đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ An Giang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, góp phần tăng giá trị cho sản phẩm gạo của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước của Philippines hàng năm từ khoảng 14,5 triệu đến 15 triệu tấn. Nhu cầu dự trữ tối thiểu đảm bảo đủ lương thực cho 30 ngày để đảm bảo an ninh lương thực trong nước của Philippines khoảng trên 1,2 triệu tấn. Vì vậy, tổng nhu cầu gạo hàng năm của Philippines khoảng trên 15,5 đến 17 triệu tấn. Sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên hàng năm Philippines phải nhập khẩu từ khoảng trên 3 triệu đến 4 triệu tấn gạo. Trong đó, nhập khẩu gạo từ Việt Nam, chiếm khoảng 85%, từ Thái Lan khoảng 10%, phần còn lại được nhập khẩu từ Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan…

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2022, lượng gạo xuất khẩu vào thị trường Philippines đạt 3,1 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2022. Mặc dù vậy, gạo của Việt Nam vẫn chiếm gần 87% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng từ mức trung bình khoảng 400 USD/tấn cuối 2020 lên mức trung bình khoảng 500 USD/tấn trong năm 2021, ổn định ở mức trung bình khoảng 480 USD/tấn trong năm 2022 và có xu hướng tăng, tăng mạnh từ giai đoạn quý II năm 2023, có thời điểm đạt tới trên 650 USD/tấn.

Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho rằng năm 2024, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự kiến khoảng từ trên 3,5 triệu đến 3,8 triệu tấn.

Năm 2024 sẽ tiếp tục có nhiều biến động khó dự báo, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo đã tạo nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, Philippines trong những năm gần đây luôn là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam, vì vậy, Thương vụ kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cũng vẫn cần phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines. Bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Philippines kiến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam.

Cùng với đó, tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng các mặt hàng sản phẩm gạo xuất khẩu qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào thị trường Philippines.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng, tăng cường quan hệ và gìn giữ uy tín trong kinh doanh với các đối tác, bạn hàng, xây dựng các mối quan hệ bạn hàng truyền thống và bền vững.

Tại hội nghị, các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp ngành gạo đã tích cực chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp trong công tác phát triển thị trường, xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng, nâng cao vị thế thương hiệu ngành gạo.

Thu Trang/Báo Tin tức
Indonesia sẽ nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo
Indonesia sẽ nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo

Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bapanas) thông báo rằng chính phủ nước này đang chuẩn bị nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo để lấp đầy kho dự trữ gạo của chính phủ do Cơ quan Hậu cần quốc gia (Bulog) quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN