Ngày 8/7, tại Hợp tác xã Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức Hội thảo sơ kết mô hình thí điểm thực hiện Đề án Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao). Tại hội thảo, các bên liên quan đã cùng nhau thảo luận, trao đổi, đúc kết kinh nghiệm từ những kết quả trong vụ lúa chất lượng cao đầu tiên ở Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Giảm từ 2 - 6 tấn CO2/ha, tăng lợi nhuận 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha là kết quả thống kê về vụ lúa tham gia thí điểm canh tác lúa chất lượng cao đầu tiên ở Cần Thơ được ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI thông tin tại hội thảo.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, trong gần 50 ha lúa tham gia thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đầu tiên ở Cần Thơ có khoảng 7,8ha diện tích làm đối chứng, canh tác truyền thống và hơn 40 ha áp dụng các quy trình canh tác bền vững như: sử dụng giống xác nhận; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ; giảm số lần bón phân còn 2 lần/vụ...
Sau khi triển khai thí điểm vụ Hè Thu với giống lúa OM5451 thì 7,8 ha diện tích mô hình đối chứng, lúa áp dụng sạ lang năng suất đạt 5,9 tấn/ha; trong khi đó, hơn 40 ha lúa chất lượng cao cho năng suất từ 6,13 - 6,51 tấn/ha (cao hơn 7% so hơn với diện tích lúa sạ lang).
Tham gia sản xuất lúa chất lượng cao, nông dân cũng giảm 50% lượng giống (tương đương giảm được khoảng 1,2 triệu đồng/ha tiền giống) và giảm 30% lượng phân bón/ha (tương đương giảm được khoảng 0,7 triệu/ha). Do giảm chi phí đầu vào, tăng đầu ra nên nông dân tăng 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, nhờ giảm giống kết hợp sạ hàng có vùi phân phía dưới để cung cấp cho bộ rễ nên cây lúa cứng cáp, khỏe hơn. Nhờ cây lúa khỏe nên ít bị sâu bệnh, từ đó giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Nếu sạ lang bộ rễ cây lúa không đồng đều, sạ bằng máy sạ hàng kết hợp vùi phân giúp bộ rễ lúa đồng đều và tốt hơn. Khi sạ lang thì số chồi lúa và độ không đồng đều lớn, trong khi đó, lúa sạ hàng ban đầu có số chồi ít hơn nhưng về cuối cùng số bông lúa nhiều hơn và đồng đều hơn.
"Điều quan trọng là từ thực tế đo đếm mực nước, canh tác lúa chất lượng cao, áp dụng quản lý nước và quản lý rơm rạ giúp giảm phát thải từ 2 - 6 tấn CO2/ha", ông Hùng cho biết.
Sau 3 tháng gieo sạ, đến thời điểm này, gần 50ha lúa đầu tiên của thành phố Cần Thơ tham gia thí điểm Đề án Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long bước vào giai đoạn thu hoạch. Từ thực tế sản xuất, nông dân nhận thấy canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp đem lại hiệu quả cao hơn so với gieo sạ truyền thống.
Theo ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Thuận đánh giá, các diện tích lúa vụ Hè Thu tham gia mô hình thí điểm đều sạ giống OM5451. So sánh trên đồng ruộng, lúa sạ lang theo cách truyền thống (diện tích lúa đối chứng) thời điểm này mưa gió đổ ngã rất nhiều. Nhưng lúa canh tác bền vững (áp dụng sạ hàng) đổ ngã không đáng kể, việc thu hoạch khá thuận lợi, tỷ lệ lúa ít hao hụt.
Có 2,6 ha lúa tham gia mô hình thí điểm, ông Phạm Việt Hùng phấn khởi cho biết, canh tác bằng giống nguyên chủng, được sạ bằng máy kéo hàng nên được doanh nghiệp thu mua với giá lúa hàng hóa là 7.000 đồng/kg, lúa giống thì 7.500 đồng/kg.
Là cán bộ theo sát các diện tích lúa tham giá mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, bà Lê Đông Phương, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Thạnh cho biết, qua quá trình theo dõi canh tác lúa theo quy trình bền vững nhận thấy, nông dân giảm được 30 - 40% lượng phân bón, giảm 40% lượng thuốc bảo vệ thực vật và giảm nước tưới (trung bình ruộng lúa đối chứng bơm nước khoảng 8 - 10 lần thì ruộng lúa canh tác bền vững bơm khoảng 4 - 6 lần nước/vụ).
Hợp tác xã Tiến Thuận nằm trong vùng chuyên canh lúa của thành phố Cần Thơ, có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh. Tiến Thuận là hợp tác xã đã tham gia Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) nên nông dân sản xuất lúa đã có kinh nghiệm sử dụng giảm lượng giống, giảm lượng phân bón, các ruộng đã áp dụng cơ giới hóa vào các khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc...
Từ hiện trạng sản xuất của Hợp tác xã Tiến Thuận, Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cùng lên kế hoạch thực hiện mô hình trên quy trình canh tác lúa của Cục Bảo vệ Trồng trọt ban hành; nông dân trong hợp tác xã được tập huấn quy trình canh tác trước khi áp dụng triển khai.
Sau vụ lúa đầu tiên được thu hoạch, nông dân Hợp tác xã Thuận Tiến đầy quyết tâm tiếp tục tham gia sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Thuận kỳ vọng, sau vụ lúa đầu tiên thành công, các bên liên quan sẽ cùng đúc kết kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng diện tích canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên địa bàn thành phố Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Được sự phối hợp của các bên liên quan đã hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình canh tác có hiệu quả. Mô hình có 3 doanh nghiệp tham gia (cung cấp thiết bị gieo sạ, cung cấp phân bón công nghệ mới, thu mua sản phẩm mô hình).
Là doanh nghiệp hỗ trợ 50% chi phí phân bón cho nông dân tham gia thí điểm 50 ha lúa chất lượng cao đầu tiên ở Cần Thơ, ông Phan Văn Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa trong 3 vụ tiếp theo để đúc kết kinh nghiệm nhân rộng ra các diện tích tham gia Đề án tiếp theo.
Theo ông Tâm, phân bón được công ty này sử dụng tham gia canh tác lúa chất lượng cao là loại phân đã được Trung tâm Khuyến nông quốc gia sử dụng trong chương trình canh tác lúa thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2016 - 2022. Đây là loại phân bón được sử được cải tiến có các chất chậm tan, giảm thất thoát đạm, chất làm tăng hiệu quả sử dụng phân lân. Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Tham gia bao tiêu đầu ra cho nông dân canh tác lúa chất lượng cao, đại diện Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhựt - ông Lê Hải Triều cho biết, hiện công ty đang thu mua lúa chất lượng cao vụ Hè Thu của nông dân đem về đánh giá, phân tích, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu. Nếu gạo đạt lượng, công ty sẽ trả tiền lúa cho nông dân cao hơn giá thị trường là 300 đồng/kg.
Sau vụ hợp tác vụ lúa Hè Thu, ông Lê Hải Triều cho biết, công ty tiếp tục ký kết hợp tác bao tiêu lúa chất lượng cao cho Hợp tác xã Tiến Thuận ở 2 vụ tiếp theo (Thu Đông 2024, Đông Xuân 2024 - 2025).
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - Nguyễn Ngọc Hè,nhận định sự thành công của mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chính là sự thành công của hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả của tất cả các bên liên quan. Kết quả mô hình thí điểm chính là nền tảng, cơ sở để ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ nhân rộng đến toàn bộ các vùng tham gia thực hiện Đề án như đã cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để mô hình tiếp tục được nhân rộng, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ lưu ý, bắt buộc nông dân phải thu gom rơm rạ đưa ra khỏi đồng; vận động được nông dân giảm 50% lượng giống gieo sạ (từ 120 kg/ha xuống 60 kg/ha); nông dân phải đồng hành cùng doanh nghiệp để đưa công nghệ vào quá trình canh tác và doanh nghiệp tiêu thụ lúa cho nông dân.