Sự kiện do tỉnh Đồng Nai phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Mạng lưới doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc, Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel) cùng nhiều đối tác tổ chức.
Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai do ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Đồng Nai dẫn đầu đã tham dự tọa đàm. Sự kiện này cũng thu hút khoảng 50 doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến lĩnh vực phát triển xanh tham dự.
Phát biểu chào mừng sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ cho rằng tăng trưởng xanh là chiến lược để đạt được phát triển bền vững. Do đó, việc phát triển nhanh chóng các dự án sử dụng công nghệ giảm thải carbon từ năng lượng, giao thông, vật liệu đến hành vi, bên cạnh phát triển hệ thống chính sách về giảm thải là giải pháp duy nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh. Đại sứ Vũ Hồ nêu rõ Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Theo báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB), do các tác động của khí hậu, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP và nếu Việt Nam không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12 - 14,5% GDP mỗi năm từ năm 2050. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động, chính sách rất cụ thể ngay sau cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh) năm 2021. Đại sứ Vũ Hồ cho biết Hàn Quốc đã triển khai chính sách tăng trưởng xanh kết hợp giải quyết khó khăn về kinh tế với nhiều chương trình kích thích quan trọng cho chi tiêu xanh đã nhiều năm nay. Chính phủ Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu trở thành 1 trong 5 cường quốc kinh tế xanh vào năm 2050. Vì thế, tọa đàm lần này là cơ hội để tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể trao đổi kinh nghiệm trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ giảm thải và phát triển các dự án chuyển đổi xanh.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, cho biết Đồng Nai nằm trong Vùng Đông Nam bộ của Việt Nam, có quy mô kinh tế lớn thứ tư cả nước. Trên địa bàn tỉnh có trên 53.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 1.600 dự án FDI, trong đó có đến 421 dự án có vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc. Đồng Nai cũng đang theo đuổi mục tiêu phát triển xanh, bền vững, thực hiện cam kết của chính phủ đối với công ước tại hội nghị COP26 và COP28.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh bày tỏ hy vọng buổi tọa đàm ở Seoul là cơ hội để tỉnh Đồng Nai được giới thiệu về hình ảnh địa phương, quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh, các dự án đầu tư mà tỉnh đang thu hút đầu tư đến các đối tác, doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm. Đây cũng là cơ hội để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp về mục tiêu, giải pháp và kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kinh tế xanh, bền vững và giảm phát thải carbon. Từ đó, đề xuất tham vấn về định hướng, giải pháp tổng thể phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và ưu tiên của tỉnh Đồng Nai.
Đại diện tỉnh Đồng Nai đã giới thiệu đến doanh nghiệp Hàn Quốc các dự án, chính sách thu hút đầu tư, khẳng định những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực của tỉnh Đồng Nai nhằm góp phần triển khai dự án tăng trưởng xanh, hạ tầng, công nghiệp, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh, dịch vụ…
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững trong những lĩnh vực chuyên ngành. Tiếp đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia phiên kết nối doanh nghiệp Hàn – Việt với sự tham gia giải đáp trực tiếp của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về các lĩnh vực phía Hàn Quốc quan tâm.
Để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng xanh, tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã thành lập Ban Chỉ đạo tăng trưởng xanh; tiên phong xây dựng và thực hiện Đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó tập trung nghiên cứu hiện trạng, tìm giải pháp giảm phát thải ròng về 0 đối với 7 lĩnh vực: năng lượng; giao thông; công nghiệp; môi trường; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; xây dựng và vật liệu; khu đô thị theo cam kết của Chính phủ; Quy hoạch, phát triển khu công nghiệp (KCN) theo mô hình KCN Net Zero, KCN xanh và Cụm công nghiệp Net Zero.
Đồng thời, đề nghị các KCN hiện hữu tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị mới, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua hoạt động cộng sinh công nghiệp, tiết kiệm nguyên vật liệu, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo…