Tại tọa đàm, các vị khách mời đã làm rõ về bối cảnh đất nước sau bước chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; những vấn đề cấp thiết và thách thức khi việc chuyển tiếp, tiếp quản công tác chỉ đạo điều hành về kinh tế-xã hội giữa hai nhiệm kỳ Chính phủ diễn ra và hoàn thành đúng lúc dịch COVID-19 bùng phát trở lại…
Đề cập đến Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được công bố cuối tháng 4 vừa qua, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 là 6,7% và đến tháng 4/2022 là 7%, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, dự báo được đưa ra trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, giờ bối cảnh sẽ khó khăn hơn. Dư địa chính sách tài khóa tiền tệ của chúng ta bị thu hẹp lại sau một thời gian tích luỹ, nguồn lực đó đã dành cho chống chịu, ứng phó với COVID-19. Các doanh nghiệp khả năng chống chịu vẫn còn yếu thì COVID-19 tái bùng phát.
“Chúng ta đang ở trong bối cảnh duy trì nền kinh tế có nhiều thách thức mới. Quan điểm thực hiện một cách chủ động, tích cực, ưu tiên phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phải phát triển kinh tế, lo sinh kế của người dân vô cùng quan trọng. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, sự đồng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phải hết sức linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế, ứng phó với dịch bệnh. Các doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị có khả năng chống chịu tốt hơn”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Theo ông, tinh thần của giai đoạn hiện nay là chủ động, tích cực, nhưng phải tăng khả năng thích ứng, chống chịu và sống chung với dịch. Việc chủ động tấn công, đảm bảo hài hòa giữa tấn công và phòng vệ là chiến lược cần thiết và không thể có sự lựa chọn thích hợp hơn.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng đánh giá, “Chính phủ mới kiện toàn tương đối ổn”. Ông bày tỏ phấn khởi và có lòng tin vào Chính phủ. Theo ông, Chính phủ ngày càng chứng tỏ là một Chính phủ kỹ trị. Đây là Chính phủ hành động, Chính phủ nói ít làm nhiều.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận định, tác động đến tăng trưởng là phải kích hoạt đồng bộ cả 5 yếu tố: Vốn (tài lực, vật lực), thể chế, công nghệ, nhân lực và văn hóa, nhưng hai yếu tố quan trọng nhất là con người và công nghệ. Câu chuyện liên quan đến tăng trưởng của Việt Nam đang đặt ở thế động. Đó là có sự tác động của COVID-19, không chỉ tác động đến nền kinh tế toàn cầu mà còn đến kinh tế Việt Nam.
Ông cho rằng, dự báo thế nào phải xem xét khả năng kiểm soát dịch bệnh của chúng ta. Kết quả đạt được trong phòng chống dịch năm 2020 là rất đáng ghi nhận. Vừa rồi tại kỳ họp Quốc hội, tổng kết nhiệm kỳ, ông đã đưa ra 3 bài học: Chủ động, chủ công, tự chủ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đang đi theo cách chủ động, chủ công và chủ lực.
Nếu kiểm soát được COVID-19, mục tiêu tăng trưởng 6,7% tuy là xa nhưng không có nghĩa là chúng ta không với tới. Tình huống chống COVID-19 thay đổi bởi 3 yếu tố: Một là biến chủng của COVID -19 khác với trước, hai là độc lực khác trước, ba là tâm thế, kinh nghiệm chúng ta tích lũy nên phương thức phải khác.
“Trước đây chúng ta bao vây, truy vết, xử lý khi chưa có bài học phòng chống COVID, thế giới chưa có vaccine, lúc đó là phù hợp. Còn bây giờ, bối cảnh là biến chủng lan nhanh, độc lực mạnh hơn, chúng ta không thể duy trì mãi bao vây, cô lập như thế nữa, nên tinh thần của Thủ tướng là chủ động tấn công, nhưng không phải lúc nào cũng là tấn công, mà phải hài hòa giữa phòng thủ và tấn công. Phải thay đổi phương thức, từ chỗ bao vây, truy vết, xử lý sang lấy miễn dịch cộng đồng để đối phó với lây lan cộng đồng”, đại biểu Quốc hội nêu quan điểm.
Theo ông, có 5 giải pháp liên hoàn. Thứ nhất là thay đổi biện pháp cách ly, lấy cách ly cá nhân tại chỗ làm trọng. Hai là tiêm vaccine cho tối thiểu 60-70% dân số để tạo ra kháng nguyên trong mỗi cơ thể con người, sinh ra kháng thể để chống lại COVID. Ba là duy trì liên tục 5K. Bốn là tăng cường tính kỷ luật của mỗi công dân cùng với cộng đồng, cùng với cả nước. Cuối cùng là kết hợp y học dân tộc và y học hiện đại. Làm tốt việc chống đại dịch COVID-19, mới bàn đến thúc đẩy tăng trưởng bởi 5 yếu tố trên.
Vấn đề nữa, ông cho rằng, đó là sự đồng hành giữa hành pháp và lập pháp, giữa Quốc hội và Chính phủ. Chính phủ mới kiện toàn do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu đã đưa ra 3 thông điệp rất quan trọng. Thứ nhất là thông điệp về phương thức hoạt động của Chính phủ đã thay đổi, chuyển từ Chính phủ dựa trên nền tảng trách nhiệm tập thể sang Chính phủ dựa trên nền tảng không chỉ trách nhiệm tập thể mà cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Thứ hai là lựa chọn các đột phá thể chế, bằng việc rà soát lại thể chế, chính sách. Thứ ba là lựa chọn trật tự ưu tiên để tạo ra các đột phá về công trình trọng điểm.
Người đứng đầu Quốc hội là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng thời cũng là Bí thư Đảng đoàn Quốc hội thường xuyên có cuộc trao đổi với Thủ tướng. Quốc hội cũng đã có thông báo của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có nhiệm vụ chủ trì để rà soát các khâu nghẽn trong thể chế, chính sách về kinh tế. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì, rà soát các giải pháp về phòng, chống dịch. Các ủy ban khác của Quốc hội cũng đồng hành với tinh thần đó.
Ông Lê Thanh Vân đề xuất, vào nhiệm kỳ mới, Quốc hội và Chính phủ cần rà soát các vấn đề đang trở ngại trong cải cách bộ máy, phân công nhiệm vụ, chức năng giữa các tổ chức nhà nước ở Trung ương và địa phương, làm sao bộ máy liên thông, xuyên suốt, hệ thống cấu trúc phải chặt chẽ; rà soát lại thể chế về tổ chức, các quy định về đầu tư công, điểm nghẽn trong chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để khơi thông các dòng vốn, huy động tối đa nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước.
Ông cũng cho rằng, cần rà soát lại các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là trong việc trọng dụng hiền tài, bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Đột phá về nhân sự chính là đột phá vào chủ thể của tất cả các hoạt động sáng tạo và làm chủ nền kinh tế. Cùng với đó, rà soát lại các công trình xếp theo thứ tự ưu tiên.
“Thủ tướng đang làm rất quyết liệt, chúng ta có thể thu hẹp phạm vi các công trình trọng điểm nhưng tập trung về nguồn lực, làm theo lộ trình và trong nhiệm kỳ này có thể quyết tâm làm được hàng nghìn km cao tốc, kết nối, tạo ra xung lực mới làm nền tảng cho đổi mới căn bản về hạ tầng. Như thế mới là quyết tâm của Chính phủ và Quốc hội”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhấn mạnh.