"Kiên quyết giảm trừ tiền các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên nếu để xảy ra tồn tại, cắt giảm chi phí cho công việc không làm hoặc làm kém để nâng cao trách nhiệm nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên", Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.
Hàng loạt tuyến đường xuống cấp
Theo báo cáo của Sở GTVT các địa phương gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các tuyến QL1, QL5, QL6, QL18, QL19, QL20, QL32, QL37, QL51, QL70, QL279, đường Hồ Chí Minh… và các đường địa phương, nơi có nguồn hàng là các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa… tại các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay đều bị xuống cấp, gây mất an toàn giao thông.
Điều đáng nói, các tuyến quốc lộ này bên cạnh nguyên nhân do tình trạng xe quá tải ngang nhiên hoạt động tại các địa phương gây ra, khiến công tác khắc phục, sửa chữa định kỳ của ngành Giao thông ở cơ sở không theo kịp, còn do công tác bảo trì, bảo dưỡng của các nhà thầu, nhà đầu tư thi công được giao vốn khắc phục, quản lý, chậm triển khai, chây ì, dẫn tới tình trạng các tuyến đường ngày càng phát sinh nhiều ổ gà, ổ voi, hằn lún thành rãnh, lề đất hai bên đường không được san gạt, sơn kẻ vẽ phân làn đường bị mờ... ngày càng khó khắc phục.
Từ đầu năm đến nay, sau nhiều cuộc kiểm tra hiện trường các quốc lộ bị xuống cấp qua Tây Nguyên, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đã yêu cầu, các nhà thầu, nhà đầu tư được giao quản lý, bảo trì khẩn trương rà soát các hạng mục đường bị hư hỏng, đề xuất các biện pháp khắc phục, để đảm bảo chất lượng mặt đường êm thuận, thoát nước, an toàn giao thông... Tuy nhiên đến nay, thực tế trên chưa được cải thiện. Không ít nhà thầu, nhà đầu tư bảo trì hạ tầng chưa làm tròn trách nhiệm, trông chờ, ỷ lại, khiến nhiều đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp, ngày càng hư hỏng nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Văn Huyện đánh giá, tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại, cộng với sự buông lỏng quản lý của các lực lượng chức năng ở địa phương, nhất là sự thiếu phối hợp giữa các đơn vị thi công, sửa chữa đường với chính quyền cơ sở, để ngăn chặn từ gốc xe quá tải lưu thông, cảnh báo, xử lý vi phạm... chính là nhưng nguyên nhân gây ra tình trạng quốc lộ xuống cấp.
"Tối hậu thư"
Thực tế, hệ thống quốc lộ hiện nay của cả nước còn nhiều tuyến, đoạn tuyến khai thác đã nhiều năm, hết thời hạn sử dụng theo khấu hao. Trong khi đó, lưu lượng xe và tải trọng xe ngày càng tăng cao khó kiểm soát, còn nguồn vốn ngân sách để nâng cấp, sửa chữa hoặc xây dựng các tuyến mới thay thế hạn hẹp, đòi hỏi ngành Giao thông các địa phương ngoài nguồn vốn đầu tư công được cấp định kỳ hàng năm, cần phải huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng và sửa chữa hạ tầng. Quan trọng nhất là việc thi công bảo trì, bảo dưỡng cần duy trì thường xuyên.
Để xử lý nghiêm tình trạng chậm bảo trì, bảo dưỡng nêu trên, trong công văn khẩn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo, siết chặt quản lý các nhà thầu, nhà đầu tư được giao bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ hạ tầng tại các địa phương; bố trí nhân lực tuần đường, tuần kiểm, phát hiện hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn giao thông và báo cáo, đề xuất xử lý theo quy định.
"Các đơn vị phải kịp thời phát hiện hư hỏng, xuống cấp, bất cập về giao thông để xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nếu quá thẩm quyền. Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm tải trọng xe, kiểm soát tải trọng xe trên hệ thống quốc lộ, cao tốc", công văn Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ.
Liên quan đến các dự án BOT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu cơ quan quản lý phải kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý bảo dưỡng thường xuyên của các nhà đầu tư BOT. Trường hợp chất lượng kém, kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng thu phí theo quy định. Liên quan đến sửa chữa đường bộ, Tổng cục yêu cầu khẩn trương thực hiện các dự án sửa chữa đã đủ điều kiện pháp lý, kiên quyết không để chậm tiến độ hoặc đã bàn giao mặt bằng, nhưng không thi công hoặc thi công cầm chừng dẫn đến mất an toàn giao thông.
Ngoài ra, các Cục Quản lý đường bộ kiên quyết giảm trừ tiền các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên nếu để xảy ra tồn tại, cắt giảm chi phí cho công việc không làm hoặc làm kém để nâng cao trách nhiệm nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên.
Riêng đối với công tác đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường bộ, kiểm soát xe quá tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở GTVT tiếp tục thực hiện và đề xuất giải tỏa đất của đường bộ (làm điểm một số đoạn tuyến) nhằm lan tỏa, tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành; phối hợp với lực lượng liên quan tăng cường kiểm soát xe quá tải trên địa bàn. Đối với công trình chuyển tiếp 2020-2021, các Sở GTVT kien quyết chỉ đạo nhà thầu thi công hoàn thành công trình và giải ngân trong quý II/2021 và tăng cường kiểm tra nhà thầu khắc phục, hoàn thành trách nhiệm bảo hành công trình theo đúng quy định.