Theo Đồ án điều chỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ điều chỉnh cục bộ hệ thống cống bao và nhà máy xử lý nước thải của 3 lưu vực Tây Sài Gòn, lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm và lưu vực Bình Tân tập trung về đặt tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa; điều chỉnh kích thước và hướng tuyến cống bao để đảm bảo chuyển tải nước thải về nhà máy xử lý theo tiến độ quy hoạch đề ra; phân kỳ đầu tư cho các giai đoạn phát triển hệ thống thoát nước theo lưu lượng nước thải đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Mục tiêu của Đồ án nhằm rà soát, xác định lưu lượng nước thải phù hợp với dân số thực tế hiện nay và dự kiến đến năm 2030 để đề xuất giải pháp thu gom và điều chỉnh quy mô công suất nhà máy xử lý nước thải phù hợp nhằm đảm bảo thu gom và xử lý nước thải trên toàn bộ các lưu vực trong phạm vi quy hoạch. Đồ án cũng đặt mục tiêu Nghiên cứu, đề xuất vị trí, diện tích xây dựng nhà máy xử lý nhằm đạt kết quả tối ưu trong các mặt sử dụng đất, giảm thiểu bồi thường, giải phóng mặt bằng, rút ngắn tiến độ thực hiện, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến cuộc sống và tâm lý người dân cũng như đạt hiệu quả cao nhất cho công tác đầu tư và quản lý vận hành; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dây chuyền công nghệ xử lý nước thải đảm bảo tiết kiệm và sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng nhà máy xử lý nước thải hiện có. Nước thải sau khi xử lý sẽ góp phần làm sạch kênh Nước Đen nhằm cải tạo vệ sinh môi trường và tạo cảnh quan cho khu vực.
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, việc điều chỉnh cục bộ nói trên sẽ đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế xã hội cho thành phố. Bởi lẽ, nhà máy xử lý nước thải được xây dựng trên diện tích đất hiện có nên không phải bồi thường giải phóng mặt bằng, có thể triển khai xây dựng một cách nhanh chóng, hầu như không có tác động xấu ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Diện tích xây dựng nhà máy đảm bảo được khoảng cách theo quy định, việc tập trung nước thải về 1 nhà máy xử lý sẽ dễ dàng áp dụng các công nghệ hiện đại hơn về xử lý nước thải, xử lý mùi triệt để, giảm được diện tích đất sử dụng cho các lưu vực, bảo đảm an toàn hơn về vệ sinh môi trường và ổn định tâm lý cho người dân, tiết kiệm quỹ đất cho thành phố. Theo tính toán sơ bộ, việc không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại lưu vực Tây Sài Gòn (11 ha) và lưu vực Tân Hóa Lò Gốm (77 ha) theo quy hoạch hiện tại sẽ tiết kiệm được khoảng 88 ha diện tích đất cho thành phố.
Trong khi đó, chi phí xây dựng và vận hành đối với 1 nhà máy xử lý sẽ thấp hơn việc xây dựng và vận hành 3 nhà máy xử lý nước thải ở 3 lưu vực. Việc quản lý và quan trắc chất lượng nước đầu ra cũng đơn giản hơn do chỉ phải kiểm soát 1 khu vực xả thải. Cùng với đó, việc xây dựng 1 nhà máy xử lý nước thải tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa hiện có sẽ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nước cho hệ thống kênh Nước Đen bằng cách xả một lượng lớn nước thải sau khi xử lý đạt.