Theo thống kê của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, 2 tháng đầu năm 2024, kinh tế Thành phố tiếp tục đà phục hồi, có nhiều dấu hiệu khởi sắc; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành tăng 4,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 11,6%, tổng thu ngân sách nhà nước tăng 13,7%, tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 14,8%...
Trong đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục hướng đến sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, tiếp tục phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam.
Bà Trần Thị Kim Yến, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đánh giá, hàng Việt đã và đang đi sâu vào đời sống người lao động, từ nông thôn và thành thị; giá cả và chất lượng hàng Việt cũng ngày được nâng cao hơn. Điều này cho thấy, cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa lớn trong nhân dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt và phát huy được sức mạnh nội lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế thành phố...
Theo bà Trần Kim Yến, để hàng Việt tiếp tục lan tỏa, sắp tới Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam theo hướng hiện đại - minh bạch - an toàn - hiệu quả. Đó là chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp tham gia phải có tinh thần minh bạch, trách nhiệm, sản xuất trung thực, phân phối trung thực. Đây cũng chính là tiền đề định hướng sản xuất nâng cao chất lượng hàng Việt, đủ tiêu chuẩn cho người Việt, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập và hướng đến những thị trường xuất khẩu khó tính.
Hiện nay, hàng Việt đang chiếm 90 - 95% tổng sản phẩm tại các hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op, Satra, Bách hóa Xanh... Tại hệ thống siêu thị bán lẻ nước ngoài như AEON, Central Retail, Mega Market... chiếm tỷ lệ là 80 - 90%. Còn tại các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 80% trở lên.
Theo Sở Công Thương, mặc dù tỷ lệ hàng Việt đang áp đảo nhưng hoạt động thương mại hàng Việt trên thị trường vẫn đối diện nhiều thách thức. Cụ thể, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn lưu hành trên thị trường, nhất là ở các kênh TMĐT. Ngoài ra, có tình trạng nhà sản xuất cố ý giảm dần chất lượng để cạnh tranh về giá cả...
Theo các doanh nghiệp, để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, từ đó tạo dư địa cho nhà sản xuất tốt phát triển, kích thích nhà sản xuất mới đầu tư, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao thì cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý. Khi nhà sản xuất chân chính giữ được thị phần vững chắc, người tiêu dùng quen với sản phẩm đạt chất lượng thì những sản phẩm không đạt, hàng gian, hàng giả sẽ bị loại dần.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố có kế hoạch kết nối nhà sản xuất với nhà phân phối, tạo sân chơi chung để nhà phân phối bắt tay nhau nói không với sản phẩm không bảo đảm an toàn, qua đó loại bỏ sản phẩm kém chất lượng. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, làm đòn bẩy để duy trì mức tăng trưởng thương mại hàng Việt trong và ngoài nước.
"Nhằm đẩy mạnh kết nối, trong thời gian tới Sở sẽ xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho hàng Việt phát triển. Hiện Sở đã ký kết thỏa thuận triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa 6 hệ thống phân phối gồm: Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh. Đồng thời, Sở cũng đã ký kết bao tiêu sản phẩm của nhà cung cấp có trách nhiệm tiên phong tham gia chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa và giải pháp phát triển thương mại điện tử. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển kênh bán hàng trực tuyến, giúp các tiểu thương chợ truyền thống lên sàn TMĐT", ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm.