Các doanh nghiệp tham gia chương trình này phần lớn là doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và phân phối hàng hóa thiết yếu, thuộc các lĩnh vực lương thực - thực phẩm, y tế, giáo dục phục vụ nhu cầu tiêu dùng và đời sống của người dân thành phố. Do đó, việc giữ ổn định lãi suất cho vay hoặc giảm lãi suất cho vay sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giữ ổn định chi phí sản xuất, ổn định giá thành và không làm tăng giá bán sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 có 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Trong đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 39 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp so năm 2021; Một số đơn vị lớn lần đầu tham gia như: Cholimex (gia vị), TH True Milk (sữa), MM Mega Market, Cental Retail (phân phối)... và có nhiều đơn vị chủ lực về hoạt động phân phối là Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Satra, MM Mega Market, Cental Retail, Aeon Citimart, GS25...
"Điểm mới của chương trình bình ổn thị trường năm 2022 có chia rõ 3 nhóm đối tượng tham gia thông qua 3 hình thức: cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. Việc phân chia để phân biệt rõ từng đối tượng sẽ giúp cho thành phố có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế hơn. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng tập trung đảm bảo về hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ, đầu tư nhà xưởng, phát triển vùng nguyên liệu…; doanh nghiệp phân phối tập trung đảm bảo về mạng lưới, điểm bán và tổ chức điểm bán hàng bình ổn thị trường; đầu tư phát triển hệ thống kho bãi, logistics…", ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm.