TP Hồ Chí Minh sẽ ứng dụng niêm phong công nghệ cao cho truy xuất nguồn gốc thịt lợn

Đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn bằng dụng cụ niêm phong công nghệ cao hiện đang được Sở Công thương TP Hồ Chí Minh triển khai, góp phần nâng cao việc vận hành truy xuất nguồn gốc thịt lợn thêm hiệu quả.

Sau một thời gian đưa vào vận hành đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, trứng và thịt gia cầm đến nay, số lượng thực phẩm được truy xuất nguồn gốc đưa vào TP Hồ Chí Minh tăng đáng kể.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết việc truy xuất nguồn gốc đã giúp thị trường thịt lợn, gia cầm trở nên minh bạch hơn, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Việc sử dụng dụng cụ niêm phong công nghệ cao sẽ giúp giảm giá thành cũng như truy xuất nguồn gốc thịt lợn qua smartphone nhanh hơn. Ảnh: RX

Đến nay, đã có khoảng 35% tổng sản lượng thịt lợn được truy xuất nguồn gốc khi về thành phố. Đối với mặt hàng thịt gia cầm, sản lượng các doanh nghiệp đăng ký lên đến 200.000 con và 2,5 triệu quả trứng gia cầm. Trong đó, việc truy xuất mặt hàng trứng và thịt gia cầm có kết quả khá tốt, riêng mặt hàng thịt lợn lại vướng phải nhiều khó khăn.


Nguyên nhân của tình trạng trên là do mặt hàng thịt lợn chưa có nhiều cơ sở giết mổ tập trung và hiện đại, hiện chỉ có mỗi Vissan, còn đại bộ phận giết mổ thủ công và bán thủ công. Trong đó, chủ cơ sở không làm trực tiếp mà cho thương lái thuê lại cơ sở để giết mổ.


Với thịt và trứng gia cầm, do đều có lò mổ tập trung và hiện đại nên việc truy xuất khá dễ dàng. Vì sau đại dịch cúm gia cầm xảy ra cách đây vài năm, việc tổ chức chăn nuôi gia cầm đã được đầu tư tốt hơn, đặc biệt là khâu giết mổ. Ngoài ra, tập quán bán ra của thịt heo là không đóng gói, trong khi thịt và trứng gia cầm đã có đóng gói bao bì.


“Trong 35% tổng lượng thịt lợn được truy xuất có đầy đủ thông tin thì trong đó có 17 - 18% ở kênh phân phối hiện đại, còn lại vẫn chưa làm được do thương lái chưa tham gia dù họ có thời gian dài 7 - 8 tháng để thực hiện. Vì vậy, cần tác động đến thương lái để nâng cao nhận thức của họ. Chỉ cần một khâu không khai báo thì chiếc vòng truy xuất coi như không có hiệu quả", ông Hoà cho biết.


Bên cạnh đó, đề án truy xuất là tiên phong của TP Hồ Chí Minh và tổng sản lượng sản xuất thực phẩm tươi sống của thành phố chỉ đáp ứng khoảng 15 - 20%, còn lại vẫn ở các tỉnh khác nên bị lệ thuộc rất lớn. Chính vì vậy, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai đề án dụng cụ niêm phong công nghệ cao để truy xuất nguồn gốc thịt lợn hiệu quả hơn, giá thành thấp hơn để có thể cùng các địa phương, cơ sở chăn nuôi đồng thuận hợp tác, qua đó giúp người dân truy xuất nhanh nguồn gốc thịt lợn bằng smartphone, vốn đang được sự ủng hộ mạnh trong thời gian qua.


Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, dụng cụ niêm phong này được cung ứng từ công ty Rồng Xanh, một đối tác lâu năm của Unisto AG tại Việt Nam. Đây là tập đoàn quốc tế với hơn 90 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất vòng niêm phong và nhận diện thương hiệu, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ và nhà máy sản xuất tại các nước Đức, Pháp, Ấn Độ và Malaysia.


Theo đó, Công ty Rồng Xanh sẽ sớm khởi công nhà máy sản xuất dụng cụ niêm phong công nghệ cao theo công nghệ Thụy Sĩ trong tháng 11 này nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về dụng cụ niêm phong ở thị trường trong nước và các nước láng giềng như Lào, Campuchia.


Sở Công Thương cho hay, việc áp dụng dụng cụ niêm phong công nghệ cao không chỉ nâng cao chất lượng truy xuất nguồn gốc mà còn góp phần giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo an sinh xã hội vì sức khỏe người tiêu dùng.


Hải Yên - Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức
TP Hồ Chí Minh gia hạn việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn về chợ đầu mối
TP Hồ Chí Minh gia hạn việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn về chợ đầu mối

Ngày 18/10, TP Hồ Chí Minh đã "ra tối hậu thư" gia hạn cho các thương nhân kinh doanh lợn đưa vào chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh trong 3-5 ngày phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. Sau thời gian này, lợn không được truy xuất nguồn gốc sẽ bị "cấm cửa".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN