Huy động 3.500 tỷ đồng từ trái phiếu liên kết bền vững
Công ty Tài chính quốc tế (IFC) vừa công bố đầu tư tới 3.500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào các trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ, do Công ty cổ phần BIM Land và công ty "con" là Công ty cổ phần Thanh Xuân phát hành. Đây cũng là lô trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên ở Việt Nam, nhằm giúp các doanh nghiệp phát hành mở rộng kinh doanh đồng thời tạo việc làm, khả năng cạnh tranh và hỗ trợ mô hình tăng trưởng carbon thấp của Việt Nam.
Khoản đầu tư của IFC bao gồm 2 khoản đăng ký mua trái phiếu lên tới 2.333 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD) do BIM Land phát hành và 1.167 tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD) do Công ty cổ phần Thanh Xuân phát hành. Cả hai doanh nghiệp này đều thuộc BIM Group - một tập đoàn đa ngành tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, số tiền thu được sẽ được sử dụng để phát triển Dự án thung lũng Thanh Xuân ở tỉnh Vĩnh Phúc, bao gồm một cộng đồng dân cư độc đáo và thân thiện với môi trường cùng với tổ hợp khách sạn, dưới thương hiệu InterContinental cùng các dịch vụ và cơ sở hạ tầng liên quan khác. Khoản tài trợ của IFC cũng sẽ giúp chủ đầu tư triển khai các giải pháp tiết kiệm nước và năng lượng tại hai khách sạn của BIM Land là InterContinental và Regent tại Phú Quốc.
Là một công cụ tài chính sáng tạo nhằm hỗ trợ phát triển bền vững toàn cầu, trái phiếu liên kết bền vững sẽ cung cấp ưu đãi khi các nhà phát hành tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại 3 khách sạn sẽ đạt tiêu chuẩn EDGE - hệ thống chứng nhận công trình xanh của IFC. Các giải pháp này dự kiến sẽ giúp giảm được khoảng 4.000 tấn phát thải CO2 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải nhà kính từ 890 ô tô chạy xăng trong một năm.
Ngoài ra, IFC cũng đã giúp BIM Land xây dựng khung tài chính liên kết bền vững với những mục tiêu hoạt động bền vững được thiết kế phù hợp với công ty.
Theo ông Đoàn Quốc Huy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành BIM Group, phát triển bền vững là một nội dung quan trọng trong chiến lược của Tập đoàn, nhằm định vị BIM Land là nhà phát triển và vận hành bất động sản hàng đầu ở châu Á với tầm nhìn dài hạn.
“Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư quốc tế khi phát triển cơ sở hạ tầng du lịch xanh và chất lượng cao trên khắp đất nước. Nguồn tài trợ và tư vấn của IFC sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của chúng tôi gắn với các thông lệ tốt của ngành và các mục tiêu toàn cầu về khí hậu”, ông Huy cho biết.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu BIM Group tiếp cận với dòng vốn xanh trên thị trường tài chính quốc tế. Với lộ trình, chiến lược phát triển bền vững ngay từ khi thành lập, Tập đoàn này đang có nhiều ưu thế trong việc tiếp cận nguồn tài chính xanh để triển khai các dự án, trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành đang lao đao với câu chuyện huy động vốn từ thị trường trái phiếu trong nước.
Trước đó, vào năm 2021, BIM Land đã gây tiếng vang khi là một công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước, song đã thành công phát hành lô trái phiếu quốc tế 200 triệu USD trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Đáng chú ý, đây là lô trái phiếu doanh nghiệp xanh đầu tiên của Việt Nam được phát hành và có khối lượng đăng ký mua cao hơn gấp 3 lần khối lượng chào bán.
Năm 2022, một thành viên khác của BIM Group là BIM Energy đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ thương mại lên tới 107 triệu USD nhằm hỗ trợ vận hành dự án điện gió quy mô 88MW tại tỉnh Ninh Thuận.
Thêm nhiều cơ hội gọi vốn xanh
BIM Group không phải là trường hợp cá biệt ở Việt Nam, thời gian qua cũng có nhiều doanh nghiệp trong nước tiếp cận với dòng tài chính xanh quốc tế thông qua các gói tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh... như hệ sinh thái của VinGroup, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), một số ngân hàng thương mại tư nhân…
Tuy số lượng doanh nghiệp tiếp cận chưa nhiều, song nhiều dự báo cho thấy thị trường tài trợ vốn xanh Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là sau cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Chính phủ và Việt Nam tham gia vào Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Đặc biệt, theo nội dung của JETP, có ít nhất 15,5 tỷ USD sẽ được tài trợ dưới hình thức chủ yếu là cho vay ưu đãi trong khoảng từ 3 - 5 năm để hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng. Một nửa số đó được huy động từ tài chính khu vực công với các điều khoản ưu đãi hơn thông thường. Phần còn lại còn lại được huy động và tạo điều kiện từ tài chính tư nhân, để Việt Nam đạt đỉnh thải toàn bộ khí nhà kính vào năm 2030, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.
Nguồn vốn tư nhân theo đó được nhận định sẽ đóng vai trò quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh trong thời gian tới. Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, vốn tư nhân là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Đặc biệt, với việc phát hành trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên trong nước sẽ là tín hiệu cho sự phát triển của các công cụ tài chính xanh sáng tạo như một kênh huy động vốn mới cho các dự án thông minh với khí hậu tại Việt Nam.
“Khoản đầu tư của IFC cũng sẽ khuyến khích các nhà phát triển gắn lợi ích của họ với hoạt động đầu tư có trách nhiệm để có thể huy động vốn từ thị trường vốn xanh, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch bền vững”, ông Thomas Jacobs cho biết. Bên cạnh đó, khí hậu và phát triển bền vững cũng đã và đang trở thành một lĩnh vực trọng tâm trong các cam kết của IFC tại Việt Nam.
Tại các diễn đàn, hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp liên tục nhấn mạnh vai trò của các công cụ tài chính xanh cho quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam. Trong số đó, trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để huy động vốn cho phát triển kinh tế và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Tuy được dự báo có nhiều tiềm năng, song giới chuyên gia cũng nhận định việc triển khai các công cụ tài chính xanh để dẫn dắt dòng vốn quốc tế hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi chính sách, khung pháp lý thời gian tới phải được hoàn thiện hơn.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, nhiều năm trước Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, vấn đề tài chính về bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, cả công cụ tín dụng xanh và trái phiếu xanh về bảo vệ môi trường tại Việt Nam cũng chưa có nhiều.
Để trái phiếu xanh có thể phổ biến tại Việt Nam, vị chuyên gia này cho rằng, các nhà phát hành phải thật lưu ý đến vấn đề mục đích sử dụng vốn, dự án phải được thẩm định chặt chẽ, minh bạch trong việc quản lý dòng vốn cũng như có kế hoạch trả nợ cụ thể.
Về phía cơ quan quản lý, ông Hiếu đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng nghiên cứu, đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các nhà phát hành phải tuân thủ. Qua đó góp phần tận dụng dòng vốn xanh cho quá trình chuyển đổi tăng trưởng theo hướng bền vững hơn trong thời gian tới.