Tranh cãi việc đánh thuế nước ngọt có gas

Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với quy định về đánh thuế 10% đối với nước ngọt có gas không cồn đang nhận được nhiều ý kiến phản đối từ giới chuyên gia. Đặc biệt, với việc chỉ căn cứ đến yếu tố “có gas hay không” để đánh thuế, nếu dự thảo này được thông qua, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới đánh thuế chỉ dựa vào tiêu chí gas.


Lợi bất cập hại


Theo dự thảo của Bộ Tài chính, mặt hàng nước ngọt có gas không cồn được đề xuất áp thuế 10% với lý do là có tác động tiêu cực đến sức khỏe và việc tăng thuế có thể bổ sung thêm nguồn thu cho Chính phủ. Hiệp hội Bia, rượu và nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cùng chung quan điểm rằng, nước ngọt có gas gây ra các vấn đề về tiêu hóa, béo phì và loét dạ dày.

 

Nước ngọt có gas chiếm một tỉ lệ lớn trong thị trường đồ uống ở Việt Nam.


Tuy nhiên, theo luật sư Sesto Vecchi, Giám đốc điều hành công ty Tư vấn Russin & Vecchi, các quốc gia trên thế giới không lựa chọn gas (CO2) làm tiêu chí phân loại để đánh thuế. Nếu dự thảo được thông qua, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới đánh thuế nước ngọt theo tiêu chí gas.


Nhận định nước ngọt có gas không cồn gây hại cho sức khỏe cũng còn nhiều ý kiến trái chiều. Các thành phần trong nước có gas tuân thủ các tiêu chuẩn của Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Mỗi sản phẩm nước ngọt có gas đều được kiểm định, phê duyệt, và đăng ký bởi Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm về tiêu chuẩn chất lượng trước khi lưu hành trên thị trường. Sự khác biệt duy nhất giữa nước ngọt có gas và nước ngọt không gas nằm ở thành phần “gas” (CO2). Tuy nhiên, không có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra rằng CO2 gây ra vấn đề về sức khỏe. Trên thực tế, CO2 làm tăng cảm giác no, do đó khi sử dụng người dùng sẽ không ăn nhiều, giảm lượng calo hấp thu.

 

Việc tăng thuế TTĐB với nước ngọt có gas sẽ tác động trực tiếp đến “túi tiền” của người tiêu dùng.


“Gas trong nước ngọt không phải tác nhân gây hại cho sức khỏe nên các nước không phân biệt nước có gas hoặc không có gas làm đối tượng bị đánh thuế”, luật sư Sesto Vecchi giải thích. Theo các chuyên gia, “đường” mới là yếu tố gây những tác hại đối với sức khỏe con người, nhưng dự luật này lại không đánh thuế vào “đường” mà lại nhằm vào “gas”. Giới chuyên gia cảnh báo, việc áp thuế có thể sẽ điều chỉnh tâm lý người tiêu dùng, khiến họ chuyển từ nước ngọt có gas sang nước ngọt không gas với giá rẻ hơn.


Không chỉ thiếu cơ sở khoa học về tác hại của nước ngọt có gas, theo ông Christopher J. Snowdon, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế London thì việc tăng thuế với nước ngọt có gas sẽ gây những tác động bất lợi với nền kinh tế. Theo đó, giá của mặt hàng này sẽ tăng cao, tác động mạnh đến túi tiền của người tiêu dùng. Tính toán của VBA cho thấy, đối với mỗi lít nước ngọt đánh thuế 10% thì giá thành khi tới tay người tiêu dùng sẽ đội lên khoảng 12 - 13%. Hơn nữa, thuế TTĐB là thuế gián thu, nghĩa là người tiêu dùng phải nộp thuế mà không phải là nhà sản xuất. Như vậy, người tiêu dùng sẽ buộc phải chi thêm tiền nếu vẫn muốn sử dụng nước ngọt có gas.


Khi người dân bị tác động mạnh đến túi tiền thì nhu cầu sử dụng có thể thấp đi và do đó có thể không tạo ra nguồn thu bổ sung cho Chính phủ như mục đích ban đầu của dự luật này.


Nhiều ảnh hưởng đến ngành đồ uống


Đại diện Công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Phan Đăng Tuất cũng lo ngại, việc bổ sung nước ngọt có gas không cồn vào danh sách chịu thuế TTĐB sẽ làm giảm hấp dẫn đầu tư trong bối cảnh Chính phủ đang rốt ráo cổ phần hóa doanh nghiệp. Tăng thuế sẽ khiến các đối tác cân nhắc hơn về lợi nhuận đầu tư. Hơn nữa, cũng có thể gây khó thêm cho các DN trong nước bởi các doanh nghiệp FDI vốn có nhiều thế mạnh về thương hiệu, tên tuổi, và hệ thống bán hàng chuyên nghiệp…

 

Chưa có cơ sở khoa học vững chắc về việc nước ngọt có gas không cồn gây hại cho sức khỏe con người.


TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương còn dự báo, ngành đồ uống hiện nay đóng góp tới 15% GDP. Khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt có gas thì lượng cầu đồ uống có thể giảm 28%. Lúc đầu nguồn thu thuế có thể tăng lên, nhưng sau sẽ giảm xuống. Tuy nhiên những nghiên cứu này mới dừng lại ở tác động trực tiếp. Còn các yếu tố bị ảnh hưởng khác như lao động, việc làm, các nhà cung cấp nguyên liệu… thì chưa tính hết được.


“Việc áp thuế đối với nước giải khát có gas sẽ ảnh hưởng đến thương mại qua biên giới giữa Việt Nam với các nước vì người tiêu dùng ở nước này có thể sang nước bên cạnh để mua hàng hóa với chi phí rẻ hơn”, ông Christopher J.Snowdon phân tích. Nhất là khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa với thế giới, giao lưu kinh tế giữa các nước ngày càng nhiều thì khả năng này càng dễ xảy ra.


Chẳng hạn như tại Đan Mạch, sau hai năm áp dụng thuế TTĐB đối với chất béo bão hòa, ngân sách của Chính phủ Đan Mạch đã thâm hụt vì doanh thu giảm từ việc người dân sang các nước láng giềng (đặc biệt là Đức) mua mặt hàng này với giá không bị đánh thuế.


Mặt khác, nếu mức thuế trên được áp dụng sẽ làm giảm nhu cầu đối với nước giải khát có gas, ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này. Hiện nay, thị trường nước ngọt có gas ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 5,9%/năm nhưng chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm lĩnh. Doanh nghiệp nội chủ yếu sản xuất nước ngọt không gas. Do đó, luật thuế này tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp FDI.


Theo ông Snowdon, thuế đồ uống tăng sẽ làm giảm hấp dẫn đầu tư đối với các nhà đầu tư FDI hiện tại và tương lai. “Áp dụng thuế TTĐB sẽ giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia khác trong việc thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp này”, vị Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế London cho biết.


Trước nhiều ý kiến không đồng tình với dự thảo luật, bà Phạm Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Đây là vấn đề cần được thảo luận rộng rãi hơn, không chỉ giữa cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước mà còn cần cả ý kiến của người tiêu dùng. Thời gian tới, VCCI sẽ tổ chức các buổi hội thảo và khảo sát lấy ý kiến doanh nghiệp về vấn đề này.

Theo báo cáo về tình trạng béo phì của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế châu Âu (OECD) vào năm 2012, việc sản phẩm bị tăng giá do đánh thuế nước ngọt có gas đôi khi dẫn đến hậu quả không mong muốn, đó là người tiêu dùng sẽ chuyển sang tiêu thụ thực phẩm và đồ uống thay thế, không bị đánh thuế, với mức calo còn cao hơn. Tại Pháp, người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế và những sản phẩm này có hàm lượng đường bằng hoặc cao hơn nước ngọt có gas. Tại Phần Lan, mặc dù thuế TTĐB đối với nước ngọt được áp dụng từ năm 1940 và ở mức rất cao (66% năm 2011), tỷ lệ béo phì vẫn tiếp tục tăng.


 

Bài và ảnh: Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN