Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, tuy mùa khô này mặn xâm nhập địa bàn tỉnh sớm (tháng 12/2023), mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng nhờ địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu mùa khô nên đến nay, lượng nước trong nội đồng vẫn cơ bản đảm bảo đủ cho vụ lúa Đông Xuân.
Tuần qua, độ mặn trên các nhánh sông giảm so với tuần trước. Các xí nghiệp thủy nông trong tỉnh tranh thủ vận hành cống Tân Dinh, Cái Hóp lấy nước vào 2 cửa, cống Bông Bót vận hành lấy nước vào 3 cửa để bổ sung vào nội đồng. Trước đó, Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thuỷ lợi Trà Vinh cũng vận hành Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 đợt 2 bơm liên tục 25 ngày (từ ngày 1- 25/3 để tiếp nước ngọt về các khu vực của huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải.
Nhờ vậy, đến nay mực nước trong nội đồng trên địa tỉnh vẫn duy trì 0,45 - 0,5 m, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất vụ lúa Đông Xuân. Hiện tại, nông dân đã thu hoạch được khoảng 25.000 ha lúa, đạt 40% diện tích xuống giống, với năng suất bình quân 6,8 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước 0,35 tấn/ha.
Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, Trà Vinh), hiện có 94 thành viên, chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao trên diện tích 150 ha. Vụ này, năng suất lúa của thành viên hợp tác xã đạt từ 8 - 9 tấn/ha, cao hơn 1 - 2 tấn/ha so với vụ Đông Xuân trước và cao từ 2 - 3 tấn/so với vụ Hè Thu, Thu Đông. Tuy giá lúa thị trường hiện tại chỉ còn 7.600 đồng/kg đối với các giống hợp tác xã sản xuất là OM 18, OM 5451 nhưng hợp tác xã vẫn cam kết thu mua cho thành viên 9.200 đồng/kg theo giá đầu vụ nên thành viên hợp tác xã đảm bảo đạt lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đậm, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Phát Tài đang thu hoạch 4 ha lúa giống với năng suất ước đạt 9 tấn, cao hơn gần 3 tấn so với vụ Thu Đông vừa qua. Ông Đậm cho biết, gần ruộng lúa của ông, nhiều hộ hoạch đạt đến 10 tấn/ha. Tham gia Hợp tác xã, chi phí đầu tư sản xuất giảm kể, so với giá thị trường, giống lúa chất lượng do Hợp tác xã cung cấp thấp hơn từ 25 - 30%, phân bón thấp hơn từ 10 - 15%. Điều an tâm nhất là Hợp tác xã bao tiêu toàn bộ lúa thương phẩm đầu ra với giá luôn cao hơn giá thị trường nên nông dân rất yên tâm sản xuất.
Thời gian qua, giá trị trường nông sản luôn biến động. Điệp khúc "được mùa, mất giá" thường xuyên xảy ra. Vì vậy các mô hình hợp tác xã kiểu mới biết thắt chặt liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đã giúp nông dân nâng cao lợi nhuận, yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn vận động thành viên xuống giống đúng lịch thời vụ, cử cán bộ kỹ thuật thăm đồng, theo dõi tình hình dịch bệnh và hỗ trợ cách phòng trị; đồng thời hỗ trợ, chuyển giao quy trình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu cho thành viên nên năng suất lúa của thành viên Hợp tác xã luôn đạt cao hơn khoảng 1 tấn/ha so với trước khi tham gia Hợp tác xã.
Trước đây, việc vận động người dân tham gia hợp tác xã rất khó khăn do nông dân chưa hiểu rõ quyền lợi nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều người mong muốn được tham gia các hợp tác xã hoạt động hiệu quả như Hợp tác xã Nông nghiệp Phát Tài. Sau gần 7 năm thành lập, thành viên Hợp tác đã tăng thêm 40 hộ và còn rất nhiều hộ trồng lúa đang đăng kí tham gia. Đại hội thường niên năm tới, Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài sẽ bổ sung thêm thành viên mới.
Theo ông Trần Văn Chung, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phát Tài, Hợp tác xã luôn đặt lợi nhuận của thành viên lên cao nhất. Từ khi thành lập đến nay, lợi nhuận thành viên Hợp tác xã năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhờ làm tốt công tác liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nên Hợp tác xã hoạt động rất hiệu quả. Năm 2023, Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài vinh dự là 1 trong 63 hợp tác xã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương là hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc.