Giai đoạn 2015-2020, doanh số cho vay ủy thác ở Bình Phước đạt hơn 3.312 tỷ đồng với 149.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số cho vay ủy thác chiếm 99% doanh số cho vay của tỉnh. Doanh số thu nợ ủy thác đạt 2.322 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng số doanh thu nợ toàn chi nhánh. Dư nợ ủy thác cho vay đạt 2.392 tỷ đồng; dư nợ quá hạn và nợ khoanh cho vay ủy thác qua tổ chức hội là 4,4 tỷ đồng, chiếm 0,19% dư nợ ủy thác và 99% dư nợ quá hạn và nợ khoanh toàn Chi nhánh... Đến 31/5/2020, Bình Phước còn 2.530 gói vay 3 tháng không hoạt động với số tiền dư nợ hơn 47 tỷ đồng, giảm 6.319 gói vay với năm 2014...
Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách Xã hội Bình Phước, hoạt động ủy thác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Giai đoạn này có 150.264 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với doanh số cho vay đạt hơn 3.325 tỷ đồng. Điều này góp phần giúp gần 9.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 8.660 lao động, 15 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 7.952 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 120.353 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 542 căn nhà…
Hoạt động ủy thác tín dụng chính sách xã hội còn giúp tổ chức Hội đoàn thể các cấp có thêm nguồn kinh phí hoạt động và thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình, kế hoạch của các tổ chức Hội đoàn thể với chương trình tín dụng, như: phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc sức khỏe, sinh sản, bình đẳng giới, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào nông dân sản xuất giỏi của Hội Nông dân; phong trào xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu của Hội Cựu chiến binh; phong trào xung kích lao động sáng tạo phát triển kinh tế-xã hội của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Bình Phước cho biết, việc gắn chất lượng hoạt động nhận ủy thác vào các tiêu chí thi đua của tổ chức Hội đoàn giúp cho phong trào thêm sôi nổi, phong phú; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt hơn; có nhiều người tham gia kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của người vay và hướng dẫn, giúp đỡ người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả để có nguồn trả nợ, trả lãi ngân hàng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, vốn vay góp phần xóa nhiều hộ nghèo, cận nghèo; nguồn vốn ủy thác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả cao; phương thức ủy thác tín dụng đã được đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm nhiều thời gian cho người dân vay vốn. Trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả dịch vụ ủy thác, nhất là địa phương chất lượng dịch vụ ủy thác còn thấp.
Biểu dương và ghi nhận những thành quả trong hoạt động ủy thác tín dụng chính sách xã hội tỉnh Bình Phước làm được trong giai đoạn 2015-2020, Trung tướng Nguyễn Văn Đạo, Trưởng đoàn đã đề nghị tỉnh Bình Phước cần phải thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong chính sách cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng đó, tuyên truyền những quy định thủ tục cho vay; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn bà con làm ăn có hiệu quả…
Trong giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của Bình Phước giảm bình quân 0,89%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 còn 2,56%, hộ cận nghèo là 2,33%. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước đã có những bước phát triển toàn diện, bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.