Nhờ phục hồi tích cực trong hoạt động xuất khẩu, kinh tế Việt Nam cũng được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm nay.
Ông Suan Teck Kin cũng nhấn mạnh đến sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và điện thoại di động. Chu kỳ bán dẫn đang phục hồi nhờ những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI) và nhu cầu về thiết bị điện tử tăng; công nghiệp và dịch vụ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của đất nước. Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam hứa hẹn cho cả năm 2024 và 2025, đặc biệt khi so sánh với mức tăng trưởng chậm hơn là 5% vào năm 2023.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại Việt Nam năm 2024 đã có sự phục hồi đáng kể, đặc biệt là xuất nhập khẩu, vượt qua mức giảm trong năm 2023. Thặng dư thương mại của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, góp phần hỗ trợ đồng nội tệ và năng lực nhập khẩu của nước này.
Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn mạnh mẽ, với 2 năm liên tiếp đạt mức cao kỷ lục. Đơn cử 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút 13 tỷ USD vốn FDI, với nguồn đầu tư mạnh mẽ từ: Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản... Xu hướng tích cực này cho thấy sự tin tưởng liên tục của nhà đầu tư và doanh nghiệp vào khả năng cạnh tranh và tiềm năng của Việt Nam.
Ngành bán lẻ, sau khi chịu ảnh hưởng trong COVID-19 cũng đã phục hồi tốt trên nhiều phân khúc khác nhau, cho thấy sự phục hồi kinh tế rộng hơn.
Đánh giá về tình hình kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới, bà Dorstai Madani, chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: Việt Nam có triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực với cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng.
WB dự báo: Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% năm 2024, sau đó lên đến 6,5% trong các năm 2025 - 2026. Trước đó vào tháng 4/2024, WB đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025.
WB khuyến cáo: Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn, vừa góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng, đặc biệt trong năng lượng, giao thông và logistics (đang là nút thắt cản trở tăng trưởng); các ngân hàng cần cải thiện hệ số an toàn vốn, cải thiện xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư tư nhân. Việc đa dạng hóa thương mại để tăng cường hội nhập hơn nữa sẽ là yếu tố giúp cải thiện khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam.