Từng là Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông nhưng với niềm đam mê và mong muốn đưa cây dược liệu trở thành cây trồng giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, anh Phan Xuân Diện đã quyết định xin nghỉ việc ở huyện để dành toàn bộ tâm sức vào việc phát triển cây dược liệu. Từ mô hình ban đầu trông thí điểm cây cà gai leo, cây thìa canh, đến nay, Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát của anh Diện đã mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên 4 ha, đồng thời thực hiện liên kết trồng cây dược liệu với hàng chục hộ dân trong vùng. So với các loại cây trồng khác như mía, ngô, cây dược liệu (trà gai leo, cây thìa canh...) giúp bà con có thu nhập hơn 120 triệu đồng/ha/năm.
Anh Phan Xuân Diện, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát cho biết, khi đang công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện, anh được giao phụ trách dự án trồng cây dược liệu trên địa bàn. Điều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An rất phù hợp các loại cây dược liệu phát triển nhưng vấn đề đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, anh quyết định nghỉ làm ở huyện và thành lập công ty để tập trung phát triển cây dược liệu. Sau những nỗ lực không mệt mỏi, đến nay, bên cạnh hệ thống cơ sở chế biến hoàn thiện, anh đã phát triển thành công 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 5 sao dưới dạng trà, bột, cao. Thị trường tiêu thụ mở rộng tới hầu hết các tỉnh thành. Thời gian tới, công ty tiếp tục xúc tiến xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử.
Tại huyện miền núi, biên giới Kỳ Sơn, bà con có tập tục đốt nương làm rẫy khiến những cánh rừng thu hẹp dần. Trong khi trình độ, nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế, việc lựa chọn cây trồng phù hợp gặp nhiều khó khăn. Cùng với xu thế sử dụng dược liệu từ thiên nhiên, người dân địa phương cùng một số doanh nghiệp đã bắt đầu thí điểm trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, qua đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Anh Lầu Bá Trong, ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chia sẻ: Trước đây, ở địa phương không có việc làm, anh phải đi lao động ở các tỉnh phía Bắc. Mỗi tháng, anh có thu nhập 6-7 triệu đồng. Trừ chi phí đi lại, ăn ở, số tiền còn lại rất ít. Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty không có việc làm, anh buộc phải trở về quê. Anh đã may mắn được nhận vào Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống làm việc. Được đào tạo kỹ thuật, làm việc gần nhà, mức lương hơn 8 triệu đồng là niềm mơ ước của nhiều thanh niên trong vùng. Hy vọng thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo việc làm để lao động địa phương không phải đi xa làm ăn nữa.
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới, có điều kiện tự nhiên đặc thù. Nhiều xã như Na Ngoi, Mường Lống, Tây Sơn… có khí hậu quanh năm mát mẻ, rất phù hợp với sự phát triển một số cây dược liệu. Thực tế, người dân nhiều địa phương đã tự trồng các loại cây dược liệu như Giảo cổ lam, Sâm Thất diệp nhất chi hoa, Sâm Puxailaileng, Tam thất, Đẳng sâm… cho kết quả tích cực song quy mô còn nhỏ lẻ. Việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ giúp bà con có thêm thu nhập mà còn tránh được tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy. Hiện tại, một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư thí điểm cho kết quả khả quan, có thể nhân rộng trong tương lai như mô hình trồng dược liệu của Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống thuộc Tập đoàn TH trồng ở Na Ngoi. Để biến những khó khăn thành lợi thế, Nghị quyết nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng nhân dân huyện Kỳ Sơn đã đưa mô hình phát triển cây dược liệu dưới tán rừng làm mô hình mũi nhọn.
Việc trồng, phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn những nguồn gen quý mà còn giúp người dân địa phương thay đổi tư duy, tập tục sản xuất cũ, có hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển cây dược liệu ở Nghệ An vẫn mang tính tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng. Theo ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, để phát triển cây dược liệu ở Nghệ An nói chung, trong Khu dự trữ sinh quyển miền Tây nói riêng cần triển khai cả hai hướng: bảo tồn và khai thác có kế hoạch dược liệu trong tự nhiên; phát triển dược liệu dưới tán rừng và trồng tập trung một số loại cây dược liệu cho phép. Như vậy vừa tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, vừa khuyến khích bà conbảo vệ rừng, đồng thời tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển ổn định gần 18.000 ha cây dược liệu. Để đạt được mục tiêu này, địa phương còn cần có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa, đặc biệt là phải đẩy mạnh liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông). Trong đó, doanh nghiệp phải giữ vai trò then chốt trong hình thành chuỗi khép kín từ khâu chăm sóc, bảo quản, chế biến...