Đến nay, mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, phát huy được thế mạnh của địa phương và mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk.
Theo đại diện của Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin, từ năm 2022, những thành viên của Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin đã đi đến tỉnh Gia Lai học tập mô hình và mua 3.000 phôi về trồng thử nghiệm dưới tán rừng keo lai. Sau đó, Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin đã phối hợp với Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường (Trường Đại học Tây Nguyên) để nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, đồng thời nhận chuyển giao kỹ thuật trồng nấm Linh chi đỏ từ Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường để mở rộng diện tích trồng nấm.
Quá trình trồng thử nghiệm cho thấy cây nấm Linh chi đỏ phát triển tốt dưới tán rừng trồng, do đó, từ tháng 4/2023, Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin đã chính thức đi vào sản xuất phôi nấm Linh chi đỏ và tiến hành trồng 35.000 phôi nấm linh chi dưới 1 ha rừng keo lai 3 năm tuổi. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, vườn nấm đã cho thu được gần 850 kg nấm tươi, tương đương khoảng 400 kg nấm khô. Với mức giá hiện nay, bình quân mỗi kg nấm khô sẽ thu lãi khoảng 500.000 đồng.
Ông Đoàn Hữu Nhị, phụ trách kỹ thuật Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin cho biết, ưu điểm của mô hình này là trong thời gian chờ khai thác rừng keo thì tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng nấm Linh chi, vừa gia tăng giá trị sử dụng đất, đem lại sinh kế bền vững cho người trồng vừa ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy rừng và quá trình chăm sóc nấm cũng làm tăng độ ẩm trong đất, hỗ trợ rừng keo phát triển, tăng năng xuất cho cây keo. Hiện nay Hợp tác xã đã làm chủ công nghệ tạo phôi nấm nên trong thời gian tới sẽ tiến hành mở rộng diện tích trồng nấm và đẩy mạnh việc bán phôi nấm ra thị trường để nhân rộng mô hình, giúp bà con tại địa phương có hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
“Đặc biệt, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng keo khá đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với các hộ dân có rừng trồng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Hợp tác Nấm dược liệu Chư Yang Sin xã sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm Linh chi đỏ; đồng thời, hỗ trợ nguồn phôi nấm và tìm kiếm đầu ra khi vùng nguyên liệu tăng cao”, ông Đoàn Hữu Nhị cho biết thêm.
Bà Lê Thị Ái Phượng, Giám đốc Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin cho biết, thời gian đầu, trồng nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng gặp rất nhiều khó khăn khi đây là mô hình đầu tiên tại địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển mô hình các thành viên trong hợp tác xã đã tích cực vừa làm vừa rút kinh nghiệm và áp dụng nghiêm ngặt quy trình, công nghệ được chuyển giao từ Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường để có thành tựu như hiện tại. Đáng nói, chỉ trong thời gian ngắn không chỉ trồng thành công nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng mà hợp tác xã đã làm chủ công nghệ sản xuất phôi nấm, điều này giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó có thể tăng sự hỗ trợ cho những hộ khó khăn muốn đầu tư, phát triển mô hình này.
“Ngay sau khi hoạt động sản xuất đi vào ổn định, Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin đang tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm với mục tiêu đưa nấm Linh chi đỏ vào trở thành sản phẩm OCOP của địa phương vào cuối năm 2023. Đồng thời, Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin đang đàm phán giá với các đối tác trong và ngoài nước để tìm chỗ đứng ổn định trên thị trường; đồng thời, sẽ bao tiêu sản phẩm cho người dân địa phương khi tham gia mô hình này với mong muốn giúp người dân huyện vùng sâu Krông Bông tìm được sinh kế bềnh vững từ việc trồng nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng”, bà Lê Thị Ái Phượng chia sẻ.
Theo ông Võ Tấn Trực, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, nấm Linh chi đỏ là một loại thảo dược quý, có nhiều công dụng đối với sức khỏe, thị trường trong và ngoài nước đều ưa chuộng. Hiệu quả từ trồng nấm Linh chi dưới rừng của Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin cho thấy đây là mô hình có triển vọng để nhân rộng và góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, nhất là ở các hộ trồng rừng là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, mô hình này đưa lại “lợi ích kép”, vừa tạo sinh kế bền vững từ cây nấm vừa giúp tăng năng suất diện tích rừng trồng là cây keo.
Cũng theo ông Võ Tấn Trực, toàn huyện Krông Bông hiện có khoảng 4.500 ha rừng trồng keo lai, do đó dự địa để phát triển mô hình này là rất lớn tại địa phương. Từ cơ sở đó, thời gian tới đơn vị sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện triển khai các giải pháp nhằm nhân rộng mô hình cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là ở các vùng nguyên liệu trồng keo ở các xã vùng sâu như Cư Đrăm, Cư Pui, Cư Kty… đây đều là những địa bàn có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Kỳ vọng, mô hình sẽ đem lại sinh kế ổn định cho người dân và góp phần xóa đói giảm nghèo ở huyện vùng sâu Krông Bông.
Để thực hiện được mục tiêu trên, trước mắt các phòng chuyên môn của huyện sẽ tích cực hỗ trợ Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Đồng thời, kết nối giữa Hợp tác xã với các hộ dân có nhu cầu phát triển mô hình để tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác; phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn hình thức vay vốn nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận và nhân rộng mô hình, tìm được hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế tại địa phương.