Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho biết, vụ Xuân năm 2024, giống lúa ĐT120 được trồng thử nghiệm ở các huyện Tiên Lữ và Kim Động, với diện tích 50 ha. Giống lúa trong mô hình được so sánh đối chứng với giống lúa Bắc thơm số 7 (đang được trồng đại trà ở nhiều địa phương trong tỉnh).
Kết quả cho thấy, giống lúa ĐT120 có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 125 - 130 ngày, kiểu cây gọn, bông to, chống chịu khá với bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá và rầy nâu. Giống lúa ĐT120 có hạt dài, màu vàng sáng, cơm mềm, đậm và có mùi thơm nhẹ. Năng suất ước đạt từ 220 - 270 kg/sào, cao hơn từ 15 - 30% so với giống đối chứng Bắc thơm số 7.
Theo đánh giá, việc sử dụng phân bón hữu cơ nano UPLML (phun khi lúa phân hóa đòng và sau trỗ thoát) và chế phẩm sinh học Neem Ferno (dòng chế phẩm sinh học thảo mộc có đến 90% thành phần là tinh dầu Nêm, đây là tinh chất từ cây xoan chịu hạn) giúp cây sinh trưởng, phát triển khỏe, chống chịu tốt với các đối tượng sâu bệnh hại. Qua theo dõi, so với giống Bắc thơm số 7, giống ĐT120 chỉ nhiễm nhẹ một số sâu bệnh hại như đạo ôn, khô vằn, cuốn lá, đục thân và rầy nâu...
Theo người dân xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, cây cứng, khóm gọn, đặc biệt năng suất cao hơn hẳn so với các giống lúa trước đây.
Ông Dương Huy Đông, xã Hiệp Cường cho biết, trước đây gia đình chủ yếu cấy giống lúa Đài thơm 8, năng suất ước đạt từ 1,8 - 2 tạ/sào. Tuy nhiên, khi cấy giống ĐT120 năng suất cao hơn hẳn, đạt từ 2,2 - 2,7 tạ/sào. Với 8 sào cấy giống lúa ĐT120, dự tính vụ Xuân năm nay, gia đình ông sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tấn thóc.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Nguyễn Xuân Hải khẳng định, việc sử dụng giống lúa mới ĐT120 kết hợp với sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, chủ động với biến đổi khí hậu mà còn giúp tăng năng suất, chất lượng, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững. Đây là cơ sở để tỉnh duy trì và nhân rộng mô hình tại các địa phương trong tỉnh.
Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp, các đơn vị chuyên môn cập nhật, lựa chọn các giống lúa tốt, phù hợp với mục tiêu sản xuất của tỉnh để khảo nghiệm và phát triển giống trong sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch; khuyến khích và nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ nano và chế phẩm sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm..