Nông dân Ninh Thuận chăm sóc vườn nho. |
Đường vào thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải không phải thẳng tắp, dù vậy hễ nói đến nho sạch thì dẫu khó khăn đi lại đến đâu, ai cũng muốn đến tận nơi xem, học hỏi cách làm nho sạch của anh nông dân trẻ Đào Mạnh Tiệp.
Trước đây nhờ ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ, triển khai tập huấn về “nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học”, anh Đào Mạnh Tiệp đã mạnh dạn chuyển hơn 3 sào đất trồng lúa sang đầu tư trồng giống nho xanh NH 01-48.
Bước đầu làm nho theo tiêu chuẩn VietGap rất khó khăn đối với anh, nhưng nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng đúng quy trình sản xuất sạch từ khâu bón phân, tưới nước, sử dụng chế phẩm sinh học thay cho thuốc hóa học, sử dụng sổ tay ghi chép liều lượng pha chế phân, thuốc, cách chăm sóc theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây nho… nên chỉ trong vụ thu hoạch đầu tiên, anh Tiệp có trong tay hơn 300 triệu đồng từ bán nho sạch do anh làm ra.
Anh Tiệp cho biết, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap cũng rất khó, bởi đây là loại cây trồng cần chăm sóc đặc biệt, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.
Nếu không học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì cho dù “kinh nghiệm” lẫn “tiền tỷ” đến đâu cũng bại sản. Nhưng nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, được thị trường chấp nhận, được người tiêu dùng tìm đến thì việc trở thành tỷ phú từ trồng nho cũng không phải là khó.
Anh Tiệp cho rằng, trước giờ người trồng nho ở Ninh Thuận cứ "bắt" nho cho trái một năm 3 vụ nên nho mau lão hóa, năng suất không đạt. Việc bón phân hóa học liên tục cho nho cũng gây tác hại cho đất, đất mau bạc màu. Hơn nữa nếu sử dụng thuốc trừ sâu quá mức để phòng trừ bệnh cũng hạn chế sự phát triển của trái nho, làm mất an toàn thực phẩm, vì thế thị trường rất khó tiêu thụ do người tiêu dùng e ngại.
Chị Nguyễn Thị Diễm, Công ty TNHH Vĩnh Lợi, đơn vị thu mua nho sạch ở Ninh Thuận cho biết, nho làm theo hướng VietGap rất chất lượng, rất đảm bảo.
So với nho sản xuất kiểu truyền thống thì nho này đẹp từ mẫu mã đến chất lượng trái, do đó người tiêu dùng trong nước rất an tâm và sản phẩm nho VietGap bán rất chạy trên thị trường. Với cách làm nho VietGap của anh Tiệp, cứ đến vụ thu hoạch là công ty rất sẵn lòng đến thu mua tận vườn với giá cả đảm bảo có lợi nhất.
Chị Diễm cho rằng, nho xanh sản xuất đúng theo quy trình VietGap được mua tại vườn với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn 1,5 lần so với sản phẩm nho trồng không ghi chép theo quy trình. Mặc dù giá cao nhưng rất nhiều thương lái vẫn tìm đến mua tận nơi, vì sản phẩm nho VietGap rất được lòng tin của người tiêu dùng.
Hiện nay, các thương lái không lo thiếu sản phẩm nho sạch để mua, bởi trên vùng đất thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải giờ không chỉ có anh Tiệp làm nho VietGap, mà đã có nhiều hộ học làm như anh Tiệp.
Theo Hội Nông dân xã Xuân Hải, hiện nay toàn xã có hơn 50 ha nho được canh tác theo quy trình sản xuất sạch. Bình quân mỗi sào nho cho năng suất từ 3 đến 3,5 tấn/vụ. Với giá bán như hiện nay, 1 sào nho người dân lãi từ 40 - 50 triệu đồng/vụ (một vụ 6 tháng).
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, nho là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao so với các cây trồng chính ở tỉnh, hiệu quả kinh tế nho mang lại cao hơn từ 8 đến 9 lần so với cây lúa...
Nếu người trồng nho áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất như anh Tiệp, được trang bị đầy đủ kiến thức về kỹ thuật trồng nho theo hướng an toàn. Đồng thời, được thị trường ưa chuộng, được người tiêu dùng tin cậy thì không lý gì cây nho không mở hướng làm giàu cho người dân.
Nho là sản phẩm đặc thù, là cây trồng chủ lực phù hợp với vùng đất nắng Ninh Thuận. Do đó việc đẩy mạnh sản xuất nho theo hướng VietGap, hình thành sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm luôn được tỉnh Ninh Thuận chú trọng phát triển và nhân rộng.
Hiện Ninh Thuận đã quy hoạch khu vực trồng nho phù hợp, với diện tích hơn 7.900 ha, đồng thời đầu tư nghiên cứu phát triển giống nho mới, xây dựng, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất nho an toàn, chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap để cây nho phát triển, xứng đáng là cây trồng chủ lực của tỉnh.