Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã đề nghị nhóm cố vấn soạn thảo các đề xuất cải cách kinh tế tham vọng nhất trong nhiều thập niên, mà có thể kiềm chế "uy quyền" của các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và tạo một "không gian" tự do hơn đối với việc định ra lãi suất và tỷ giá đồng NDT.
Theo một số nguồn tin từ ban lập kế hoạch kinh tế, một trong những vấn đề mà các cố vấn ưu tiên đó là làm sao để hạn chế sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế và cắt bớt "vây cánh" của hơn 100.000 SOE - vốn đang được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, như được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng và các hợp đồng của chính phủ. Một cải cách nữa đó là cho phép thị trường quyết định phí vay ngân hàng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đất đai. Hiện nay, các nguồn tín dụng về cơ bản nằm dưới sự cấp phát của chính quyền trung ương. Đất đai và các nguồn lực cơ bản cũng thuộc quyền (phân bổ) của nhà nước, trong khi khu vực tư nhân chỉ được quyền thuê hay sử dụng tạm thời.
Các chuyên gia phân tích cho rằng cải cách hai lĩnh vực trên sẽ mang lại thay đổi căn bản đối với cơ cấu kinh tế của Trung Quốc. Tăng tính chuyển đổi của đồng NDT cũng là một phần trong gói đề xuất nhằm tự do hoá các thị trường vốn và tăng cường sử dụng đồng tiền này trong giao dịch thương mại toàn cầu.
Cải cách về cơ cấu thuế của Trung Quốc được xác định là cần thiết, trong bối cảnh nợ của chính quyền địa phương ở mức 10.700 tỷ NDT (1.700 tỷ USD) vào thời điểm cuối năm 2010. Theo cơ chế hiện nay, chính quyền trung ương được "chia" phần lớn nhất (trong doanh thu thuế), trong khi phần nhiều hoạt động chi tiêu lại nằm ở chính quyền địa phương.
Giới chuyên gia cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần "giải phóng" được tiềm năng tăng trưởng mới và đưa nền kinh tế vào quỹ đạo ổn định hơn để tránh "bẫy" thu nhập trung bình, nơi việc kiến tạo của cải bị đình trệ và thị phần rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh có giá rẻ hơn.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP tính trên đầu người của Trung Quốc ở mức 5.500 USD năm 2011, trong khi con số này là 22.400 USD với Hàn Quốc, 34.500 USD ở Hồng Công và 46.200 USD ở Singapore.
Trong khi đó, gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ NDT (640 tỷ USD) được Bắc Kinh tung ra hồi cuối năm 2008 đã dẫn tới hoạt động đầu tư thái quá vào các dự án cồng kềnh ít hiệu quả, tạo ra hàng núi nợ cho các chính quyền địa phương và thổi giá nhà tại các thành phố lớn lên tận mây xanh. Đề xuất cải cách yêu cầu các SOE phải đóng góp thêm (từ lãi hoạt động) cho chính phủ để bù đắp sự thiếu hụt về phúc lợi xã hội.
Zuo Xuejin, người đứng đầu Viện Kinh tế thuộc Học Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải nhận định sẽ có nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu Trung Quốc không cải cách. Shi Xiaomin, phó Chủ tịch China Society of Economic Reform, một cơ quan tư vấn trực thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cũng cho rằng Trung Quốc đang cận kề giai đoạn mà chính phủ cần đi theo những cải cách cơ bản hơn.
Trong quý III/2012, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống 7,4%, so với mức tăng 7,6% của quý II/2012, ghi dấu quý giảm thứ bảy liên tiếp. Nhưng nền kinh tế trong tháng 9 vừa qua lại cho thấy dấu hiệu hồi phục nhẹ, với sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư đều nhích lên, tạo đà cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ khởi sắc trong quý cuối cùng của năm nay. Hiện một số chuyên gia cố vấn lo ngại xu hướng phục hồi này sẽ làm dịu đi sức ép buộc Bắc Kinh phải hành động.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận rằng ba thập niên GDP tăng trưởng với nhịp độ gần 10%/năm đã không còn nữa, và nền kinh tế cần động lực mới. Hồi tháng 2/2012, WB nhận định Bắc Kinh cần tiến hành cải cách sâu rộng để ngăn chặn khủng hoảng. WB ước tính, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ rơi từ mức 8,5% giai đoạn 2011-2015 xuống 5% giai đoạn 2026-2030.
Hương Giang (Theo Reuters)