Trước ngày nghỉ Giỗ Tổ, SJC lại tăng giá, thị trường vẫn ‘ngóng’ phiên đấu thầu

Sau khi rớt về mốc 83 triệu đồng/lượng trong phiên ngày 16/4, giá vàng đã nhanh chóng tăng tốc trở lại trong chiều 17/4.

Chú thích ảnh
Một số ý kiến cho rằng: Cơ quan quản lý nên cho phép một số công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện, tự xuất nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng và trang sức. 

Ngày 17/4, GS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Việc Ngân hàng Nhà nước thể hiện quan điểm tăng cung, không độc quyền vàng miếng sẽ cải thiện biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới”.

Giá vàng miếng tăng, vàng nhẫn ‘hạ nhiệt’

Sau khi rớt về mốc 83 triệu đồng/lượng trong phiên ngày 16/4, giá vàng đã nhanh chóng tăng tốc trở lại trong chiều 17/4. Theo đó, giá vàng SJC ở Hà Nội và Đà Nẵng đang là 82,3 triệu đồng/lượng mua vào và 84,32 triệu đồng/lượng bán ra. Tại Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, giá vàng SJC ngày 17/4 mua vào mức tương tự so với Hà Nội và Đà Nẵng, nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng. So với chốt phiên trước, giá vàng SJC tăng 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.

Nếu như sáng 17/4, giá vàng nhẫn tăng 100.000 đồng/lượng thì tới chiều cùng ngày lại giảm. Giá vàng nhẫn SJC loại 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ tại SJC cuối phiên ngày 17/4 mua vào – bán ra ở mức 74,7 - 76,6 triệu đồng/lượng; Giá nhẫn trơn tại PNJ giao dịch ở mức 74,8 - 76,7 triệu đồng/lượng.

Trước đó, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại TP Hồ Chí Minh từ 82,30 - 84,30 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng so với phiên sáng 17/4. Tương tự, Công ty Phú Quý giao dịch từ 82 - 84 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với phiên sáng 17/4. Cùng thời điểm trên, Công ty Doji Hà Nội niêm yết giá vàng SJC từ 82 - 84 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng niêm yết trên Kitco ở mức 2.392 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng miếng SJC và thế giới ở mức 10 triệu đồng/lượng. 

Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tạm thời

Chú thích ảnh
Cần tăng nguồn cung cho thị trường vàng.

Dư luận vẫn đang mong chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm, để tăng cung cho thị trường vàng. Theo đó, loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị này có hơn 30 phút để quyết định khối lượng, giá mua; 1 tiếng sau khi đóng thầu, NHNN sẽ công bố kết quả.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức tối 17/4, PGS TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng: Việc NHNN đấu thầu vàng sẽ thu hẹp biên độ chênh lệch giá vàng vì mức giá sàn đưa ra sẽ tiệm cận với giá vàng quốc tế. “Các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu sẽ phải tính toán để đảm bảo có lãi, không thể đưa ra giá cao chót vót. Giá vàng miếng giảm sẽ kéo giá vàng nhẫn giảm theo. Tất nhiên, tốc độ giảm của chênh lệch giá vàng còn phụ thuộc vào số lượng vàng được đưa ra đấu thầu và diễn biến của giá vàng quốc tế”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thời gian qua, giá vàng trong nước luôn tăng cao so với thế giới là do khan hiếm nguồn cung. Việc NHNN lấy vàng trong kho dự trữ ngoại hối ra tăng cung để bình ổn thị trường mà chưa cấp phép nhập khẩu vàng là hợp lý trong bối cảnh tỷ giá tăng cao và dự trữ ngoại hối có hạn như hiện nay.

“Việc đấu thầu vàng SJC trong kho vừa không ảnh hưởng tới tỷ giá, vừa đáp ứng yêu cầu nhanh, kịp thời. Bởi nếu cho phép nhập khẩu vàng, sẽ mất rất nhiều thời gian đưa ra các điều kiện nhập khẩu vàng, thủ tục nhập khẩu vàng, tính toán số lượng nhập khẩu, sau đó lại mất thêm thời gian gia công vàng miếng. Điều này sẽ làm giảm tốc độ can thiệp thị trường vàng hơn nhiều so với giải pháp đấu thầu vàng miếng sẵn có trong kho”, ông Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Theo GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu Nhà nước cung ứng lượng vàng dự trữ để đấu thầu sẽ không phải là lượng lớn. GS Trần Thọ Đạt phân tích: Tính sơ bộ, dự trữ vàng của Việt Nam hiện chiếm khoảng 0,% tổng dự trữ ngoại hối, nếu NHNN tổ chức đấu thầu cung ứng vàng miếng có thể xuất được 2 - 3 tấn vàng, quỹ dự trữ vàng giảm xuống 0,5% là mức không thể giảm hơn được nữa. Tuy nhiên, theo con số thống kê từ Hiệp hội Kinh doanh vàng quốc tế, khối lượng giao dịch vàng tại Việt Nam khoảng 40 tấn/năm. Do đó, con số cung ứng ra thị trường không phải lớn nhưng cũng có tác động vào thị trường, sẽ giảm bớt sự mất cân đối cung - cầu.

“Có thể qua vài lần đấu thầu, giá vàng sẽ hạ nhiệt, như vậy NHNN sẽ không cần phải áp dụng biện pháp đấu thầu để điều tiết thị trường nữa, chỉ cần cơ chế cấp hạn ngạch nhập khẩu đối với thị trường để doanh nghiệp kinh doanh vàng có nguồn nguyên liệu sản xuất, kinh doanh", ông Trần Thọ Đạt phân tích.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao giải pháp đấu thầu vàng, thay vì phương án nhập khẩu vàng. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng mạnh. Nếu NHNN cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu 500 - 1.000 kg vàng, doanh nghiệp sẽ cấp tập mua 1 - 2 tỷ USD để nhập khẩu; đồng nghĩa áp lực lên tỷ giá sẽ càng lớn.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia:

Việc đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp có thể tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn. Trong khi xoá bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Theo đó, NHNN sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.

Vấn đề chênh lệch giá vàng SJC và giá vàng thế giới, vị chuyên gia cho rằng từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời đến nay, nguồn cung vàng bị đứt, doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn cao dẫn đến mất cân bằng cung cầu. Để bù đắp lại sự mất cân bằng đó thì một là buôn lậu, hai là tăng giá vàng trong nước lên.

Trên thế giới chỉ còn mỗi Việt Nam là ngân hàng Trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng, vì vậy cần xóa bỏ sự độc quyền này. 

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV:

Cơ quan quản lý vẫn cần phải cho phép nhập khẩu một lượng vàng nhất định vì nguồn vàng sản xuất trong nước không nhiều. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu là bao nhiêu thì các cơ quan quản lý và các Bộ ngành liên quan sẽ phải tính toán để phù hợp với thời điểm hiện tại. Phải làm sao vừa kiểm soát cung cầu, vừa đảm bảo dự trữ ngoại hối của Việt Nam, qua đó góp vào ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô.

Hiện, NHNN đã có các phương án can thiệp thị trường vàng, vấn đề còn lại chỉ là triển khai thực hiện. Với các giải pháp can thiệp thời gian tới, thị trường vàng sẽ dần ồn định. Đấu thầu vàng hiện nay có nhiều điểm khác với bối cảnh năm 2013. Vào thời điểm đó, tình hình vàng hóa nền kinh tế diễn ra khá cao do NHNN cho phép vay mượn bằng vàng, tức là các ngân hàng có thể huy động, thanh toán và cho vay bằng vàng. Sau đó, Nghị định 24/2021/NĐ-CP ra đời và đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh chống vàng hoá.

Tuy nhiên, đến nay vẫn có một vấn đề chưa giải quyết được là quan hệ cung cầu chưa cân bằng. Thời gian qua, Thủ tướng đã chỉ đạo liên tục NHNN cần phải sớm lấy lại cân bằng giữa quan hệ cung cầu về vàng và thu hẹp chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới.
Bài, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Bất chấp sức ép từ đồng USD, giá vàng vẫn duy trì gần mức cao kỷ lục
Bất chấp sức ép từ đồng USD, giá vàng vẫn duy trì gần mức cao kỷ lục

Giá vàng ít biến động trong chiều 17/4, duy trì ngay dưới ngưỡng cao kỷ lục nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn được thúc đẩy bởi rủi ro địa chính trị ở Trung Đông. Điều đó đã bù đắp áp lực từ lợi suất trái phiếu và đồng USD cao hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN