Có dữ liệu về độc giả
Tại toạ đàm truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế mới đây, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trước đây, các cơ quan báo chí dựa vào quá nhiều nền tảng khác nhau. Những năm gần đây đã thay đổi.
"Xây dựng nền tảng riêng là rất khó nhưng chúng ta cần chủ động thu thập dữ liệu độc giả, nếu hiểu độc giả và nắm được thị hiếu thì nắm phần thắng 50%. Từ đó, cơ quan báo chí sẽ chủ động trong việc sản xuất nội dung. Nếu chúng ta sử dụng công cụ phân tích có thể biết xu hướng người dùng. Theo thống kê, người xem trung thành thường chiếm 20% và chúng ta cần đưa cho họ nội dung tốt để giữ chân họ. Những người đi ngang qua chiếm tới 80% nhưng không mang lại giá trị. Do đó, các cơ quan báo chí cần dành năng lượng, vật chất để giữ 20% quan trọng, mang lại nhiều tiền cho chúng ta", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
“Người ta nói về việc radio, truyền hình sẽ “chết” dưới tác động của mạng xã hội nhưng hiên chưa có đơn vị nào “chết” nhưng khó khăn là có thật, trong khi đó digital đang phát triển. Nếu không chuyển đổi số chắc chắn là khó tồn tại. Chúng ta nên làm ngay hơn là chờ đợi. Không có cách nào khác, các cơ quan báo chí cần có sự chuyển đổi số phù hợp”, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết.
Ông Nguyễn Ánh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1 cho rằng, nói đến chuyển đổi số nói đến 10 năm nay rồi, truyền thông số dựa trên sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Trước là phát một chiều nay thì phát trên mạng thì có sự tương tác với khán giả. Internet có nhiều ứng dụng, tạo cơ hội và internet lan toả toàn cầu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, truyền thông mới trên không gian internet phải đảm bảo sự tương tác giữa người đọc và người xem và chúng ta chịu sự giám sát cũng như tương tác liên tục với người đọc. Ngoài ra, trên không gian số, chúng ta có một cơ hội chưa bao giờ có là tìm lại được người đọc, người xem thực sự của mình là ai, thu thập được dữ liệu khá đầy đủ về hành vi đọc, nhu cầu đọc của độc giả để có thể phục vụ họ tốt hơn.
Trao đổi về khó khăn trong chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện nhiều cơ quan báo chí tự cân đối ngân sách cũng rất khó khăn chứ không nói gì đến câu chuyện đầu tư phát triển. Do đó nhà nước cũng có thể có những nguồn lực để đầu tư từ nguồn ngân sách. "Nhưng nhà nước có vai trò quan trọng hơn là kéo những doanh nghiệp trong nước có hạ tầng số, có lợi thế về công nghệ, về tài chính có thể đồng hành với việc chuyển đổi số của báo chí”, ông Lâm cho biết. Đây không phải đơn thuần là kêu gọi doanh nghiệp giúp báo chí, mà là chỉ ra mối quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp viễn thông, hạ tầng số với các cơ quan báo chí trong hệ sinh thái số. Nội dung phải là hàng hoá quan trọng nhất của hạ tầng số, vì thế đơn vị làm nội dung (cơ quan báo chí) và doanh nghiệp hạ tầng số đều cần đến nhau", ông Nguyễn Thanh Lâm nhận định.
Nhà nước sẽ có những định hướng, dẫn dắt các cơ quan báo chí nên làm gì trước, sao cho vừa sức, có những cách làm chuyển đối số phù hợp thực tế của Việt Nam, đi theo cách hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện riêng của từng cơ quan báo chí…
Phòng chống tin giả
Về vấn đề phòng chống tin giả trên các nền tảng số, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí khẳng định, tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm. Bản thân người đọc tin cũng phải có trách nhiệm trang bị cho mình những kỹ năng nhận diện, phòng tránh tin giả, bắt đầu bằng việc chia sẻ có trách nhiệm, hoặc hạn chế chia sẻ những tin tức đọc được trên mạng.
Đối với cơ quan quản lý và các nền tảng truyền thông, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, chúng ta không thể mãi “thả gà ra đuổi” và chạy theo để xử lý hậu quả. Sẽ phải có những biện pháp đón đầu, ngăn chặn từ gốc hiệu quả hơn. Ví dụ cơ quan quản lý sẽ làm việc nhiều hơn với các nền tảng mạng xã hội, như: TikTok, Facebook, YouTube… Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới sẽ phải làm tốt hơn việc ngăn chặn tin giả. Đã có những lúc và thậm chí đến bây giờ những nền tảng này vẫn đang hưởng lợi từ việc để cho tin giả phát tán. “Các mạng xã hội xuyên biên giới phải làm tốt hơn việc này. Phải chấm dứt việc hưởng lợi từ việc phát tán tin giả, nếu không làm thì phải có chế tài”, ông Lâm cho biết.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: "Các cơ quan báo chí phải mang thông tin chính thống vào không gian mạng. Chúng ta không thể để mạng xã hội trở thành nơi độc diễn của những nguồn thông tin không chính thống”.
Ông Lê Quốc Minh cho rằng, tin giả càng ngày càng nhiều hơn và quy mô lớn hơn. Tin giả hiện do con người tạo ra nhưng sau này là do trí tuệ nhân tạo tạo ra nhiều gấp trăm lần và với sự hỗ trợ của mạng xã hội phát tán nhanh và vấp tin giả là chắc chắn. Người có trách nhiệm và cơ quan báo chí cũng có thể bị đăng nhầm tin giả. Điều này xảy ra với cơ quan báo chí trên cả thế giới và Việt Nam. Đấy là chưa kể dip fake và với xảy ra với thời sự, kinh tế là lớn nhất.
"Về giải pháp, kênh thông tin chính thống cần phải chuẩn chỉnh. Người dùng bơi trong lượng thông tin khổng lồ cả chính thức lẫn giả thì xu hướng họ sẽ tìm về tin chính thống để kiểm định. Cơ quan báo chí chính thống định hướng xác thực, không chạy đua với mạng xã hội. Yếu tố “đúng” đặt lên hàng đầu", ông Lê Quốc Minh cho biết.
Ông Lê Quốc Minh khẳng định: “Truyền thông có vai trò quan trọng trọng cuộc sống. Do đó, trước lượng thông tin khổng lồ, người đọc xu hướng lựa chọn thông tin phù hợp phục vụ cuộc sống của mình".