Thích ứng khi hội nhập
Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã từng bước làm chủ thị trường trong nước và hướng đến thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, cách đây 20 năm, tập đoàn đã hướng đến thị trường Mỹ nhưng thất bại bởi họ chưa biết đến các doanh nghiệp CNTT Việt Nam là ai, năng lực công nghệ của chúng ta như thế nào. Tuy nhận phải thất bại đầu tiên nhưng ước mơ xuất khẩu phần mềm của FPT vẫn còn nguyên và sau đó đã hướng sang thị trường Nhật Bản.
“Điểm đặc biệt của thị trường này là các công ty bạn yêu cầu phía đối tác phải làm việc tiếng Nhật. Các kỹ sư của FPT đã cố gắng thích nghi và kết quả là sau đó tồn tại được ở thị trường này. Kể từ đó đến nay, FPT đã nỗ lực chuyển dịch hàm lượng công nghệ, trước đây là gia công 99% theo đơn đặt hàng, giờ chuyển sang các dịch vụ tư vấn và chuyên môn sâu hơn. Hiện gia công phần mềm chỉ chiếm khoảng 40%; phần còn lại là sản phẩm Make in Vietnam”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.
Lấy ví dụ về sự chủ động về phần mềm khi đi ra thế giới, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết: Tại châu Âu, FPT đang nghiên cứu các giải pháp để tối ưu quá trình chế tạo ra một chiếc xe hơi và quản lý, bảo trì các hệ thống điện gió. Còn ở thị trường trong nước, FPT cũng đã có nhiều sản phẩm như hệ thống quản lý về thuế, hải quan, ngân hàng, kho bạc, mới đây nhất là hệ thống sàn giao dịch chứng khoán HOSE. Hệ thống e-Hospital của FPT cũng đang phục vụ 400 bệnh viện Việt Nam và hơn 10 bệnh viện ở nước ngoài.
Còn về hành trình vươn ra thị trường thế giới, ông Hoàng Tuấn Hải - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty VMO Holding cho biết, cách đây 10 năm, khi mới thành lập, VMO định vị mình là một công ty “global”. Từ thời điểm đó, VMO đã xác định thị trường ngách là các công ty startup tại Mỹ. Với xuất phát điểm thấp, công ty chỉ có khát vọng vươn lên.
Để thuyết phục khách hàng chọn Việt Nam, ông Hải cho biết, VMO đã phải giải thích, vận động để họ hiểu nước ta có nền kinh tế chính trị, ổn định, nhà nước quan tâm đến lĩnh vực CNTT. Đến thời điểm hiện tại, VMO hiện có khoảng 1.200 nhân sự, phục vụ khách hàng ở 30 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Công ty hiện cũng đã có các văn phòng ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan.
Chia sẻ về bí quyết tồn tại trên hành trình dấn thân ra biển lớn, ông Hoàng Tuấn Hải cho biết, công ty định vị mình là người đồng hành, không phải nhà cung cấp dịch vụ. Đồng hành với khách hàng ngay cả khi doanh nghiệp của họ gặp thất bại, đó là lý do nhiều doanh nghiệp đã quay lại, đề nghị VMO góp vốn và gắn bó để công ty có được thành công ngày hôm nay.
Đại diện trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, ông Hồng Quốc Cường, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Rynan Technologies Việt Nam chia sẻ: Các ứng công nghệ vào nông nghiệp rất đa dạng nhưng để triển khai thì nhiều khó khăn. Do đó, các giải pháp của startup trong lĩnh vực này phải cụ thể, giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn.
“Đơn cử khi đơn vị cung cấp giải pháp nông nghiệp thông minh cho bà con đồng bằng sông Cửu Long, công ty phải nhập cảm ứng từ Mỹ, Nhật về với chi phí cao. Dù muốn mô hình kinh doanh được nhân rộng, nhưng công ty nhận ra các thiết bị này áp dụng không hiệu quả vì nước giàu phù sa, cảm ứng mau hỏng. Từ đó, các kỹ sư của đơn vị phải tìm giải pháp mới, thiết kế cảm ứng mới để dễ vệ sinh, bền bỉ, phù hợp với thời tiết. Đó là điều kiện để ra đời ý tưởng đột phá, đổi mới sáng tạo”, ông Hồng Quốc Cường chia sẻ.
1.400 doanh nghiệp có sản phẩm Make in Việt Nam ra thế giới
Đánh giá về quá trình chuyển đổi số Việt Nam, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, Việt Nam vẫn chưa kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Sự kết nối giữa các nhà đầu tư mạo hiểm, khách hàng và startup vẫn còn hạn chế; còn nhiều bài toán phải giải trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Chia sẻ về nỗ lực của doanh nghiệp, ông Ngô Diên Hy cho biết, VNPT đã tích cực tham gia vào hệ sinh thái chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc xây dựng cổng dữ liệu về dân cư, cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia...
Theo ông Ngô Diên Hy, thị trường trong nước còn rất nhiều bài toán để giải, từ bài toán của Chính phủ số, kinh tế số đến xã hội số. Do đó, Việt Nam cần kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cùng chung tay xây dựng đất nước.
Từ góc độ quản lý, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ số và Truyền thông (Bộ TTTT) cho biết: Chính sách cho ngành CNTT là mảng chính sách được Nhà nước ưu đãi. Với chính sách về hoạt động công nghiệp phần mềm, các doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm đầu tiên và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo. Các doanh nghiệp phần cứng được miễn thuế linh kiện nhập khẩu cho những mặt hàng doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam mà trong nước chưa sản xuất được, miễn thuế các trang thiết bị dùng để sản xuất các sản phẩm phần cứng này.
Về không gian làm việc cho các doanh nghiệp, tại các khu CNTT tập trung, bên cạnh các ưu đãi chung của ngành, các doanh nghiệp còn được hưởng mức chi phí thuê mặt bằng thấp hơn so với bên ngoài. Trong khuôn khổ khu CNTT, doanh nghiệp còn được hưởng các dịch vụ cộng thêm và tiếp cận cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực này.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ rà soát để tối ưu hóa các chính sách, thúc đẩy mạng lưới khu công nghiệp CNTT tập trung để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.
“Đối với việc đưa sản phẩm công nghệ Việt ra thị trường thế giới, hiện Việt Nam có khoảng 1.400 doanh nghiệp đã có sản phẩm đi ra thị trường toàn cầu. Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến Đối ngoại (Bộ Công Thương) để các doanh nghiệp công nghệ số có mặt trong các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết.
Trong 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp CNTT đã có sự vươn lên để khẳng định thương hiệu Make in Viet Nam. Các đây khoảng hơn 10 năm, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cơ bản chỉ thực hiện một số công đoạn coding theo đặt hàng của các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, hiện 50-60% các công ty outsourcing (thuê ngoài) đã làm toàn bộ sản phẩm. Đối tác chỉ đưa ra đầu bài, các doanh nghiệp Việt sẽ làm từ A-Z. Đây là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã nâng tầm của mình trong chuỗi giá trị. Doanh thu từ đối tác nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm năm 2022 ước đạt 2,2 tỷ USD.
Doanh thu của khối doanh nghiệp CNTT năm 2022 ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp CNTT trên 70.000. Xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt khoảng 136 tỷ USD. Tuy nhiên, đa phần là phần cứng và của doanh nghiệp FDI. Trong khi xuất khẩu phần mềm, dịch vụ và nội dung số chỉ đạt khoảng 5%.
Theo Quyết định số 2256/QĐ-BTTT, từ năm 2021, lấy ngày 12 tháng 12 là Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.