Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Húy cho biết, đã chỉ đạo các xã, thị trấn trong huyện tuyệt đối không được thu tiền người chăn nuôi trong phòng chống dịch và tiêu hủy lợn mắc bệnh. Các địa phương phải sử dụng ngân sách dự phòng và các nguồn ngân sách khác để triển khai phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của UBND tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, người dân xã Bình Triều, huyện Thăng Bình đã phản ánh việc đội tiêu hủy lợn mắc bệnh của xã thu tiền công vận chuyển từ 200.000 - 300.000 đồng/con lợn tùy thuộc vào trọng lượng để mang đi chôn lấp. Việc tự ý thu tiền công vận chuyển lợn mắc bệnh là sai với quy định.
Huyện Thăng Bình hiện có 89 thôn của 22 xã đang có dịch bệnh tả lợn châu Phi với hơn 36.420 con lợn đã bị tiêu hủy, chiếm tỷ lệ cao nhất của tỉnh Quảng Nam. Huyện đang kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ địa phương 50 tỷ đồng cho phòng chống, xử lý dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra chủ yếu ở các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc thu gom lợn mắc bệnh mang đi tiêu hủy gặp nhiều khó khăn, thiếu người làm do tiền công ít, nhiều xã không có cán bộ thú y để giám sát việc chôn lấp… Chính vì vậy, xử lý lợn mắc bệnh ở một số địa phương thời gian qua bị buông lỏng. Nhiều trường hợp, người dân lén lút vứt xác lợn chết ra môi trường hoặc chôn lấp không đảm bảo theo quy định.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thành Nam cho biết, việc đào các hố lớn để tập trung chôn lấp lợn chết hiện không phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Các địa phương cần triển khai chôn lấp theo những hố nhỏ để xử lý dứt điểm lợn chết trong ngày, giảm chi phí đào hố và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Quảng Nam đang tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh tăng mức hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để đối phó với dịch.
Qua hơn 2 tháng xuất hiện, hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi đã lây lan ra 308 thôn của 93 xã của tỉnh Quảng Nam. Tổng số lợn bị tiêu hủy trên 45.700 con.