Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tất cả các bên liên quan đều phải thể hiện trách nhiệm của mình để đưa nông sản Việt vươn ra thế giới, trong đó cần tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc.
"Xây dựng mã số không chỉ cho thị trường xuất khẩu mà còn cho thị trường trong nước. Doanh nghiệp hãy là người hành cùng nông dân để xây dựng mã số vùng trồng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Sầu riêng của Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, cùng với 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, số lượng này có thể tăng lên sau khi hồ sơ của các vùng trồng và cơ sở đóng gói khác được tiếp tục gửi để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt. Tuy nhiên, số lượng cũng có thể giảm xuống, thậm chí mất thị trường xuất khẩu nếu các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp mã số không được kiểm soát chặt chẽ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm quy định nhập khẩu của Trung Quốc. Thêm vào đó, việc gian lận mã số cũng có thể xảy ra.
Qua đợt kiểm tra của cơ quan chức năng Trung Quốc vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, vẫn có những đơn vị chưa bám sát thực tế nên chưa thông tin chính xác về tình hình sản xuất; chưa thực hiện chương trình giám sát dư lượng trên sầu riêng một cách bài bản. Vườn trồng sầu riêng chưa có biện pháp giám sát sinh vật gây hại, chưa ghi chép đầy đủ tình hình sinh vật gây hại, vệ sinh vườn chưa đảm bảo, không thực hiện giám sát dư lượng, chưa có kho hóa chất, thu hoạch không đảm bảo vê sinh, nhân sự chưa được tập huấn…
Với nhà đóng gói, có cơ sở chưa có vườn trồng liên kết; nhà xưởng không đảm bảo phân khu, vệ sinh; biện pháp làm sạch sinh vật gây hại chưa phù hợp. Nhân sự chưa được tập huấn, thiếu quy trình, vật liệu đóng gói không đạt, chưa ghi chép hồ sơ đầy đủ…
Bởi vậy, đợt kiểm tra vừa qua có 5 tỉnh chưa có mã số vùng trồng được phê duyệt là An Giang, Gia Lai, Đăk Nông, Vĩnh Long, Sóc Trăng.
Để duy trì và tiếp tục nâng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, Cục Bảo vệ thực vật và các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt.
Các đơn vị kiểm dịch thực vật kiểm soát chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại cửa khẩu đảm bảo các lô hàng xuất khẩu tuân thủ đúng quy định của Trung Quốc.
Các cơ quan quản lý địa phương cần tiếp tục bám sát, đồng hành cùng các vườn trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng để kịp thời hướng dẫn, giải quyết những vấn đề phát sinh; cập nhật và cung cấp những quy định mới nhất liên quan đến sầu riêng.
Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói, đào tạo họ thành lực lượng nòng cốt trong giám sát, thiết lập vùng trồng theo yêu cầu của Trung Quốc.
Ngoài ra, hệ thống thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ mở rộng thị trường và quảng bá hình ảnh sản phẩm sầu riêng của Việt Nam.
Các doanh nghiệp xuất khẩu phối hợp với các cơ sở đóng gói, các vùng trồng đã được cấp mã số phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc, không chỉ khi được kiểm tra mà phải luôn duy trì việc đáp ứng về giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại trong suốt quá trình sản xuất.
"Doanh nghiệp không gian lận mã số, sử dụng mã số khi chưa được phép, trộn hàng từ vùng không được cấp mã số dẫn đến mất uy tín của hàng sầu riêng Việt Nam, thậm chí mất thị trường", bà Hương nhấn mạnh.
Cục Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo, các vùng trồng sầu riêng cần hạn chế trồng xen với các loại cây trồng khác, giúp cho việc kiểm soát lây nhiễm chéo sinh vật gây hại từ các loại cây trồng khác, nhất là ruồi đục quả. Thông qua đó, số lượng các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đạt chuẩn sẽ được nâng cao.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, tỉnh có 15.000 ha sầu riêng; trong đó có 9.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng vụ này đạt khoảng 100.000 tấn. Với giá hiện nay, sầu riêng sẽ cho giá trị hơn 8.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 sau cà phê.
Đắk Lắk có 23 mã số vùng trồng/51 mã số cả nước được công nhận với diện tích 1.500 ha. Tỉnh phấn đấu vụ sầu riêng năm 2023 sẽ có khoảng 50-60% diện tích đang cho thu hoạch được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Vũ Đức Côn cho biết, ngành sẽ đặc biệt quan tâm đến việc quản lý mã số vùng trồng, tránh việc mạo danh mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến xuất khẩu sầu riêng của tỉnh cũng như của cả nước.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị đang nỗ lực hoàn thiện các hướng dẫn để sớm có lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.