Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nhà khoa học và ngư dân 5 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hồ Trọng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, diễn đàn là cơ hội để các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi với ngư dân, giúp cho ngư dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ. Ngư dân được tiếp cận thông tin dự báo ngư trường, mở rộng ngư trường đánh bắt. Từ đó, giảm áp lực đánh bắt gần bờ, nâng cao các dịch vụ hậu cần nghề cá, giảm tổn thất sau thu hoạch, khắc phục rủi ro trên biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi lo ngại, cơ cấu nghề khai thác vẫn còn chưa hợp lý bởi tỷ lệ tàu cá hoạt động nghề lưới kéo còn khá lớn, chiếm trên 31% tổng số tàu cá; tỷ lệ tàu thuyền nhỏ, hoạt động đánh bắt ven bờ còn khá lớn gây ảnh hưởng xấu đến ngư trường và nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Ngoài ra, hầu hết tàu thuyền đánh bắt vẫn là vỏ gỗ, trang thiết bị khai thác chưa được cơ giới hóa nhiều, trang thiết bị bảo quản sản phẩm đánh bắt trên tàu chưa được cải thiện dẫn đến chất lượng sản phẩm đánh bắt chưa cao ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nghề khai thác. Bên cạnh đó, quy mô cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền chưa lớn, chủ yếu là đóng mới, sửa chữa tàu cá vỏ gỗ, còn nhiều cơ sở chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định…
Nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư cho ngành thủy sản nói chung và hạ tầng nghề cá trong thời gian qua còn rất hạn chế. Đến lúc, Nhà nước cần phải xây dựng mới cơ chế, chính sách về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ khai thác thủy sản ven bờ, nghề lặn bắt thủy sản sang nuôi trồng, chế biến, dịch vụ thuỷ sản và nghề khác; tăng cường áp dụng công nghệ vệ tinh trong dự báo ngư trường và giám sát hoạt động tàu thuyền; lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá nhằm quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khai thác thủy sản; ưu tiên du nhập các công nghệ cho khai thác thủy sản xa bờ như nghề câu, rê, vây…
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cho rằng, việc trang bị radar hàng hải trên tàu khai thác xa bờ là rất cần thiết vì đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các chủ tàu trong những chuyến vươn khơi. Radar được ví như người lính canh gác cho ngư dân khi sản xuất neo đậu, nghỉ ngơi trên biển. Đặc biệt, radar có thể phát hiện tàu từ khoảng cách xa.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn cho hay, ngư dân vẫn đang phải đối mặt với thiên tai địch họa trên biển nên việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đánh bắt sẽ giúp họ giảm thiểu rủi ro, thiệt hại. Nghiệp đoàn mong rằng các công ty cần có cơ chế hỗ trợ cho các nghiệp đoàn nghề cá một số thiết bị hiện đại để ngư dân tiếp cận và từ đó nhân rộng.
Tại diễn đàn, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cũng thông tin về một số chính sách thúc đẩy ngành đóng tàu cá phát triển; trong đó, chỉ rõ chính sách nào mang tính đột phá, chính sách nào còn hiệu lực thi hành và chính sách hỗ trợ khác để ngư dân dễ dàng nắm bắt và áp dụng khi cần thiết.