Vì vậy, với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với vụ kiện phòng vệ thương mại một cách hiệu quả, tránh thiệt hại và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang tiếp tục xu hướng toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Một trong những đặc điểm xu hướng đó là do hàng rào thuế quan nhập khẩu được cắt giảm. Thế nhưng, các nước tiếp tục duy trì cơ chế nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hành vi cạnh tranh không công bằng và có hiện tượng gia tăng nhập khẩu quá mức. Và những cơ chế đó là sử dụng công cụ phòng vệ thương mại theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Do nhu cầu bảo vệ lợi ích sản xuất của quốc gia gia tăng, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại tiếp tục được áp dụng ngày càng nhiều. Một số quốc gia sử dụng biện pháp này thường xuyên hơn như Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Canada, Australia; một số quốc gia Đông Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, ngoài những biện pháp truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ… một số nước bắt đầu quan tâm và sử dụng thường xuyên những biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước do chuỗi giá trị gia tăng qua nhiều quốc gia cũng như sự dịch chuyển sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ.
Với Việt Nam, xuất khẩu hàng hoá gia tăng và ngày càng có nhiều mặt hàng đối diện với nguy cơ bị áp dụng phòng vệ thương mại và biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Thống kê cho thấy, số vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, chiếm 65% tổng số vụ việc trong vòng 20 năm qua. Đến nay, Việt Nam đã đối diện với 239 vụ việc liên quan kiện phòng vệ thương mại và mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại ngày một đa dạng. Đặc biệt, các sản phẩm như tôm, cá tra, basa, mật ong của Việt Nam luôn thường trực đối diện với các vụ điều tra, cảnh báo điều tra, khởi kiện và áp đặt chống trợ cấp thuế....
Nếu như năm 2021, lần đầu tiên mật ong của Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá do Hoa Kỳ tiến hành và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) có kết luận cuối năm 2021 và đến giữa năm 2022 DOC áp thuế chính thức với mật ong mức thuế sơ bộ là 400%, kết luận cuối cùng đã giảm còn 60%. Ngoài mật ong, cá tra, ba sa và tôm là sản phẩm đầu tiên bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá nên hàng năm cá tra, ba sa của Việt Nam đều bị Hoa Kỳ vẫn yêu cầu rà soát để điều tra chống bán phá giá. Đối với tôm, doanh nghiệp Việt Nam phải trải qua 18 cuộc rà soát lớn, còn cá tra, basa là 19 vụ rà soát.
Là một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, nhôm là mặt hàng thường xuyên đối diện với các vụ điều tra phòng vệ thương mại của thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho hay, nhôm là vật liệu đa dụng và có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường nên đang đối mặt với không ít vụ việc phòng vệ thương mại của thị trường xuất khẩu. Gần đây, tần suất vụ việc điều tra phòng vệ thương của thị trường xuất khẩu ngày một gia tăng; trong đó, có các vụ điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Trước thách thức từ xu hướng bảo hộ, Hiệp hội Nhôm Việt Nam thường xuyên phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại tổ chức tập huấn thông tin về phòng vệ thương mại. Cùng đó, hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ, chứng từ để không bị động, bất ngờ trước vụ điều tra từ thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, Hiệp hội thường xuyên phối hợp cập nhật cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương; theo dõi vụ điều tra phòng vệ thương mại trên thế giới cũng như xu hướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam để có thông báo, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó vụ kiện.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Nhôm Việt Nam luôn khuyến nghị doanh nghiệp chủ động lưu trữ có hệ thống dữ liệu, thông tin, hồ sơ chứng từ; chuẩn bị kiến thức, con người và thậm chí dự phòng tài chính để sẵn sàng tham gia vào các cuộc điều tra phòng vệ thương mại.
Theo các chuyên gia thương mại, do xu hướng bảo hộ, một số nhóm mặt hàng có nguy cơ đối diện với biện pháp phòng vệ thương mại; trong đó, có chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại như kim loại nhôm, thép, đồng, hóa chất, chất dẻo, sợi, gỗ… Mặt khác, một số sản phẩm máy móc, động cơ; nhóm sản phẩm lắp ráp, chế biến, chế tạo dễ trở thành đối tượng bị kiện chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Thời gian qua, doanh nghiệp, hiệp hội đang có dấu hiệu tích cực khi quan tâm, bảo vệ lợi ích, hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra với doanh nghiệp trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại, nhất là điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, để ứng phó hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp sẽ là chủ thể chính trong việc xử lý biện pháp này bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý.
Bởi vậy, doanh nghiệp cùng với việc quan tâm đến cơ hội nên nhận thức các rủi ro trong quá trình hợp tác sản xuất, kinh doanh có thể xảy ra. Khi xác định được rủi ro phải có giải pháp từ trước để ngăn chặn. Đầu tiên là xem xét sử dụng nguyên vật liệu có bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại hay không để điều chỉnh sản xuất phù hợp. Đồng thời, doanh nghiệp phải duy trì quản trị để khi có cáo buộc có chứng cứ để chứng minh, cung cấp thông tin cho cơ điều tra.
Hơn nữa, cần sự phối hợp từ hiệp hội, cơ quan tư vấn đề phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động sản xuất. Về chính quyền địa phương, chúng ta đã qua thời kỳ thu hút đầu tư bằng mọi giá mà có sự chọn lọc hơn, làm sao đạt mục tiêu nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam cũng như tạo việc làm, đem lại lực đẩy cho nền kinh tế phát triển. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo sớm của Bộ Công Thương; quản lý giám sát hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn để phát hiện ngăn chặn hành vi lẩn tránh.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Hằng Nga cho biết, Cục Phòng vệ thương mại đã ban hành danh mục cảnh báo sớm mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, công bố cho doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương, bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp với doanh nghiệp, theo dõi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể nghe ngóng từ nhiều nguồn, từ chính các nhà nhập khẩu; đồng thời, cần cập nhật thông tin liên quan đến các vụ kiện từ văn phòng luật sư hay từ chính cơ quan phòng vệ thương mại từ hiệp hội… Sự chuẩn bị này sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nhiều hơn, tốt hơn về cả nguồn lực, kiến thức quy định pháp luật của nước sở tại.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần quan tâm và lắng nghe theo dõi diễn biến của các vấn đề liên quan đến kiện phòng vệ thương mại để có sự phối hợp và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Cục Phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, hiệp hội cần cử ra một đầu mối để thường xuyên liên lạc với cơ quan quản lý về phòng vệ thương mại; thiết lập kênh trao đổi thông tin xuyên suốt nhằm không để lỡ thông tin nào về vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam. Bộ Công Thương cũng luôn theo sát và thực hiện hoạt động phòng vệ thương mại trên cơ sở yêu cầu của ngành sản xuất trong nước nhằm ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế.