Vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy bị lừa đảo chưa kịp lắng xuống thì mới đây, 5 lô hàng hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi... trị giá hơn 500.000 USD xuất khẩu sang Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất của doanh nghiệp Việt Nam bị nghi lừa đảo và đang có nguy cơ mất trắng. Đây không phải là câu chuyện mới trong giao dịch thương mại quốc tế, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu song những thủ đoạn này diễn ra ngày càng tinh vi và gậy hệ lụy đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Vậy đâu là nguyên nhân của câu chuyện này, vì sao doanh nghiệp xuất khẩu liên tiếp bị sập bẫy lừa đảo và biện pháp nào để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam trong giao dịch thương mại quốc tế?
Để cùng bàn về vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Dựa trên diễn biến của vụ việc một số mặt hàng nông sản, gia vị của Việt Nam xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nghi bị lừa đảo, ông có nhìn nhận gì về vấn đề này?
Các đối tác tại Tiểu Vương quốc Ả Rập mua nông sản và gia vị bị lừa đảo hoàn toàn do các doanh nghiệp Việt Nam yếu về các nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu nên bị các đối tác nước ngoài dẫn dụ.
Thông thường các đối tác hay có hai kiểu siết chặt nghĩa vụ quyền lợi. Một là họ siết chặt bằng hợp đồng, đưa ra các điều khoản rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Hai là họ thông thạo kinh doanh sẽ siết bằng nghiệp vụ. Hợp đồng rất sơ sài, thậm chí là ký performa invoice (hóa đơn chiếu lệ) không có điều khoản trọng tài hay khiếu nại, sau đó khi biết thời điểm rủi ro cho đối tác họ sẽ siết lại hoặc tìm cách trốn tránh nghĩa vụ thanh toán. Diễn biến của vụ việc trên chính là họ siết theo cách thứ hai.
Thưa ông, thực tế cho thấy đã có không ít doanh nghiệp chịu rủi ro khi làm việc với các đối tác nước ngoài. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu liên quan tới các chủ thể từ người bán, người mua, ngân hàng và các tổ chức khác. Khi một bên có ý định lừa đảo thường có những kịch bản chủ động ban đầu và có các dấu hiệu bất thường khác với thông lệ mua bán thông thường.
Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít có kinh phí thuê tư vấn hoặc tuyển nhân sự được đào tạo bài bản cả về nghiệp vụ kinh tế và pháp luật nên hay bị các đối tác nước ngoài "dụ" vào các bẫy của họ.
Hơn nữa, kinh doanh xuất nhập khẩu thường có những rủi ro liên quan tới 3 luồng luân chuyển về hàng hóa dịch vụ, luồng thông tin và luồng tài chính. Nguyên nhân vẫn là con người, là chủ thể tham gia các giao dịch mua bán có ý đồ lừa đảo. Các chiêu trò ngày càng tinh vi và trở thành nghề lừa đảo chuyên nghiệp. Nhưng ngược lại, chính các doanh nghiệp Việt Nam nếu yếu về nghiệp vụ thì mới có rủi ro.
Mặt khác, gần đây thị trường quốc tế đang suy giảm gây sức ép tâm lý lên các doanh nghiệp Việt Nam muốn bán hàng hóa để duy trì kinh doanh nên càng dễ sơ hở, rơi vào tình huống bị lợi dụng.
Vậy theo ông, như trong vụ việc này hoặc trong những trường hợp tương tự, các doanh nghiệp cần phải làm gì để có thể lấy lại được tiền và hàng?
Để lấy được tiền và hàng trong các vụ việc tương tự thì theo tôi cần có những bước sau đây.
Thứ nhất, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu.
Thứ hai, nếu chưa rõ cần phải tham vấn các chuyên gia, thậm chí các tham tám thương mại tại các đại sứ quán, các luật sư hay các chuyên gia kinh tế tại các trường đại học, vụ viện ban ngành sẽ tư vấn hỗ trợ.
Thông thường có các nghiệp vụ sau đây để hỗ trợ như: Soạn thảo hợp đồng, tư vấn pháp lý; tư vấn nghiệp và quy trình thực hiện với cả bên xuất hay nhập khẩu.
Vậy theo ông, đâu là yếu tố mà doanh nghiệp cần nắm vững để tránh rủi ro khi giao kết cùng các đối tác nước ngoài trên “sân chơi” thương mại quốc tế và dấu hiệu nào có thể “điểm mặt”, nhận diện thủ đoạn lừa đảo trong giao dịch?
Doanh nghiệp cần nắm vững kiến thức và nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, nếu không cần phải có hỗ trợ từ các chuyên gia; cần rà soát các bẫy pháp lý và các bẫy nghiệp vụ trong giao dịch kinh doanh quốc tế.
Các doanh nghiệp cần tham vấn các nghiệp vụ phòng chống rủi ro về hàng hóa, thanh toán, thông tin như nghiệp vụ xác minh thông tin, nghiệp vụ kiểm tra thông tin, xác định bất thường trong giao dịch và thanh toán.
Cụ thể về đối tác cần phải kiểm chứng tính logic, xác minh trụ sở, thông tin tài khoản, lựa chọn sử dụng bốn phương thức thanh toán cơ bản từ tiền mặt, nhờ thu, chuyển tiền hay thư tín dụng.
Xin cảm ơn ông!