Ngày 29/12/2020, hệ thống ePass giai đoạn 2 bắt đầu được đưa vào vận hành, do Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), thành viên Viettel phối hợp với các nhà đầu tư BOT triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Như vậy, Viettel đã hoàn thành dự án đúng thời hạn so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Với tổng số 35 trạm thu phí ePass trong 6 tháng, Viettel đã góp phần tăng trưởng hơn 80% so với số lượng trạm ePass thực hiện trong 4 năm trước đó, nâng tổng số trạm ePass trên toàn quốc lên 91 trạm, đạt gần 40% số trạm.
Để có thể đưa hệ thống đi vào hoạt động được đồng nhất, giúp giải quyết vấn đề về thu phí không dừng, Viettel đã đưa vào những công nghệ hiện đại nhất, theo tiêu chuẩn của các quốc gia phat triển trên thế giới như: Công nghệ nhận diện ảnh (OCR) giúp cho việc đăng ký sử dụng dịch vụ của khách hàng được nhanh và tiện lợi hơn; hệ thống tính cước thời gian thực (OCS) do Viettel tự nghiên cứu phát triển, giúp cho việc thanh toán ngay lập tức...
Bên cạnh đó, khách hàng có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông từ 40 ngân hàng nội địa, đặc biệt là giải pháp thanh toán trực tuyến khi kết nối với Ngân hàng số ViettelPay.
Bộ GTVT và Viettel đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia có tỷ lệ phương tiện dán thẻ ePass cao nhất trong khu vực.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, hệ thống ePass sẽ là một đòn bảy giúp phố cập dịch vụ thu phí không dừng trên toàn quốc, tiến đến phát triển giao thông số tại Việt Nam.
Còn theo ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, doanh nghiệp cam kết sẵn sàng cùng Bộ GTVT xây dựng và phát triển dữ liệu của ngành, Phát triển các nền tảng tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các hệ thông thông tin; nền tảng quản lý thu phí, thanh tóan điện tử trong giao thông, góp phần chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT và logistics, đảm minh bạch, quản lý tốt doanh thu.
Dự án ePass giai đoạn 2 theo hình thức hợp đổng Xây dựng - Sơ hữu - Kinh doanh (B00), triển khai tại 33 trạm thu phí trên toàn quốc, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư hơn 1.227 tỷ đồng, thực hiện trong 26 năm (từ năm 2020 đến năm 2045).