Tại cuộc họp báo, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông báo, có 3 ổ dịch tả lợn châu Phi ở xã Đức Hợp, huyện Kim Động (Hưng Yên); phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) và xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ lợn mắc bệnh.
Ông Phùng Đức Tiến cho biết thêm, Bộ NN&PTNT đang triển khai rất nhiều giải pháp để phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan về việc phối hợp triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chống dịch.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, chính quyền ở những địa phương này phải hướng dẫn cho các hộ có lợn bị dịch xử lý nguồn nước thải, chất thải. Tại nhiều địa phương, nước thải của khu vực nuôi nhốt lợn bị bệnh vẫn được xả trực tiếp xuống ao nuôi cá, trong khi virus dịch tả lợn châu Phi có thể tồn tại rất lâu trong môi trường. Cần phải xử lý hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh mà không ảnh hưởng tới sự phát triển của cá trong ao. Cùng với đó, phải hướng dẫn hộ dân có lợn bị thiệt hại khử trùng toàn bộ đồ dùng sinh hoạt và hạn chế ra khỏi vùng dịch.
Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, kinh nghiệm khống chế không để dịch tiếp tục phát sinh của những địa phương là kiểm soát chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời tăng cường và đồng bộ các biện pháp dập dịch, ngăn chặn việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ở vùng dịch. Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cũng cần thường xuyên kiểm tra hố tiêu hủy, ngăn chặn mầm bệnh lây lan ra môi trường. Các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với các sản phẩm từ thịt lợn, gây thiệt hại hơn nữa cho người chăn nuôi.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, quý I/2019, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng 2,%, thấp hơn so với năm ngoái, tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn quyết tâm đạt tăng trưởng 3% cả năm 2019.
“Năm nay ngành gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc phải đối mặt với dịch tả lợn châu Phi, thì việc duy trì và mở rộng thị trường là khâu quan trọng, quyết định nhất để ngành tăng trưởng và phát triển. Đây là vấn đề rất lớn đã và đang được Bộ triển khai quyết liệt hơn" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Về thủy sản, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, ngành tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp để sớm được Ủy ban châu Âu gỡ bỏ "thẻ vàng" với hải sản đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU), tránh tác động đến thương mại. Ông Hà Công Tuấn cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đang triển khai rất nhiều nội dung, giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà EC yêu cầu. Đồng thời hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Tổ chức các đoàn kiểm tra về chống khai thác bất hợp pháp tại một số địa phương.
Tại buổi họp báo, những vấn đề như quản lý chó của ngành Thú y, kinh phí kiểm dịch cao quá, chính sách hỗ trợ các hộ dân chăn nuôi bị dịch, xuất khẩu gạo, xuất khẩu gỗ, tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên, xâm nhập mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở cả bờ biển và bờ sông… cũng được lãnh đạo Bộ chia sẻ.