Doanh nghiệp vận tải chần chừ
Theo quy định tại Thông tư số 78/2021 của Bộ Tài chính, việc triển khai hóa đơn điện tử bắt buộc với các doanh nghiệp vận tải thực hiện kể từ ngày 1/7/2022. Quy định này nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi số, không chỉ giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm chi phí vận hành, tăng doanh thu, mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác giám sát hoạt động vận tải. Song, đến nay, phần lớn các doanh nghiệp vẫn "chần chừ".
Đại diện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải cho biết, chi phí ban đầu để mua phần mềm thực hiện việc chuyển đổi số (bao gồm hợp đồng điện tử, hoá đơn điện tử, vé điện tử và lệnh vận chuyển điện tử) tốn khá lớn, lên tới cả trăm triệu đồng. Đối với các doanh nghiệp có hàng trăm đầu xe, chi phí đầu tư ban đầu phục vụ chuyển đổi số còn nhân lên nhiều lần.
Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay, chịu ảnh hưởng của bão giá nhiên liệu đầu vào, nên nhiều doanh nghiệp còn chưa ổn định hoạt động, lợi nhuận sản xuất kinh doanh, chưa kể trên cùng một tuyến vận tải hiện có sự khác nhau ở giá vé, các nhà xe lại có các tuyến vận tải riêng, chi phí vận hành khác nhau... vì vậy, chủ trương này chưa nhận được đồng thuận từ phía các nhà xe.
Theo đại diện doanh nghiệp vận tải Đồng Lợi (Hà Nội), chuyên chạy tuyến Hà Nội - Tây Bắc, nhà xe chưa thực hiện chuyển đổi số vì thủ tục khá phức tạp, chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn, tập huấn chi tiết. Chi phí ban đầu để mua phần mềm triển khai hợp đồng, vé, hoá đơn điện tử khoảng từ 75 - 80 triệu đồng, cộng với 4 - 12 triệu đồng/tháng vận hành tuỳ từng nhà cung cấp dịch vụ là mức cao đối với các doanh nghiệp có ít đầu xe. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có quy định pháp luật bắt buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số; giao dịch điện tử và hệ thống chia sẻ kết nối dữ liệu thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực vận tải cũng chưa hoàn thiện...
Cần có lộ trình
Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đang khẩn trương hoàn thiện văn bản liên quan gửi Sở GTVT các địa phương, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam để đôn đốc các doanh nghiệp vận tải sớm chuyển đổi số, trên cơ sở rà soát vướng mắc của mỗi doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ, hỗ trợ, hướng dẫn.
Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, chủ trương chuyển đổi số cần có lộ trình thực hiện. Vì chi phí ban đầu lớn, nên nhiều đơn vị vận tải nhỏ lẻ chưa sẵn sàng thực hiện. Việc phải đào tạo đội ngũ nhân viên vận hành tổng đài, nhân sự, kế toán, lái xe... cũng không thể trong ngày một ngày hai. Còn đối với nhà xe chỉ có dưới 5 đầu xe thì không nhất thiết phải triển khai vì mất nhiều thời gian.
Báo cáo chưa đầy đủ từ các hiệp hội cơ sở và hội viên trực thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, đến tháng 7/2022 mới chỉ có khoảng 30% các đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe cơ sở thuộc hiệp hội thực hiện chuyển đổi số. Còn khoảng 70% các đơn vị chưa thực hiện do khó khăn về tài chính. Doanh thu của các bến xe hiện mới đạt khoảng 30 - 40%, đơn vị vận tải hàng hóa khoảng 60 - 70% so với trước dịch năm 2019.
Qua tìm hiểu, hiện nay, các doanh nghiệp vận tải chủ yếu vẫn quản lý, tổ chức bán vé theo hình thức vé giấy truyền thống. Mặc dù lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho các doanh nghiệp nhiều tiện ích về cập nhật, kết nối dữ liệu triển khai hoá đơn điện tử, vé điện tử, lệnh vận chuyển điện tử... nhưng bản thân nhiều hành khách cũng không quan tâm tới các vấn đề này...
Việc chuyển đổi số không phải chỉ riêng doanh nghiệp vận tải có thể độc lập triển khai, mà phải đồng bộ với việc triển khai ở các bến xe và tiếp nhận thông tin của các cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép lùi thời hạn thực hiện hoá đơn điện tử, áp dụng đối với các bến xe và các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ đến hết ngày 30/6/2023.