Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã nêu bật những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP dương năm 2020 với gần 3%. Công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam cũng đạt được bước tiến quan trọng sau hơn 30 năm Đổi mới, khi tỷ lệ người nghèo đã giảm từ 60% xuống còn dưới 3% theo chuẩn nghèo mới.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng nêu một trong những lý do đến Chandigard để thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và giáo dục vì đây là thủ phủ của cả hai bang Punjab và Haryana, được kiến trúc sư người Pháp Charles-Édouard Jeanneret thiết kế - biểu tượng của quá trình đô thị hóa có kế hoạch, nổi tiếng với những khu vườn như Rose Garden và Rock Garden, yên tĩnh và thanh bình, là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài Ấn Độ.
Trong khi đó, Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng cho biết Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều trên 10 tỷ USD và hai bên phấn đấu nâng kim ngạch lên 15 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.
Sản phẩm xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Việt Nam là sắt thép, thịt và thủy sản, bông, dược phẩm, phụ tùng ô tô và máy móc. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam máy móc và thiết bị, điện thoại, hóa chất, đồng, cà phê, sắt và thép. Ông Bùi Trung Thướng đánh giá dệt may, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo là những động lực mới cho quan hệ thương mại song phương.
Về đầu tư, Ấn Độ đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD vào Việt Nam (tính cả đầu tư qua nước thứ 3). Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, Ấn Độ có khoảng 300 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 900 triệu USD tính đến tháng 12/2020, đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Lĩnh vực đầu tư chính là năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến nông nghiệp, sản xuất đường, trà, cà phê, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin và phụ tùng ô tô.
Ông Bùi Trung Thướng kêu gọi các doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường đầu tư tại Việt Nam với 10 lý do Việt Nam có vị trí chiến lược nằm ở trung tâm Đông Nam Á, bờ biển dài và gần nhiều đường vận tải quốc tế; Việt Nam đã có 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)….; chỉ số thuận lợi trong kinh doanh được cải thiện qua từng năm, năm 2020 đứng thứ 70/190 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB); chính sách thu hút đầu tư rộng mở với hầu hết lĩnh vực cho phép đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) với các ưu đãi cụ thể về thuế, giá thuê đất và sự vào cuộc của chính quyền các cấp; chi phí thành lập doanh nghiệp thấp, không yêu cầu số vốn đầu tư tối thiểu; tăng trưởng GDP ổn định ở mức cao; hạ tầng phát triển; dân số trẻ với tầng lớp trung lưu chiếm tỷ lệ cao; lực lượng lao động trẻ, qua đào tạo; chi phí lao động cạnh tranh.
Tại hội nghị, các phát biểu từ phía Ấn Độ đều bày tỏ ngưỡng mộ về thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, cho rằng Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc tiếp tục diễn ra với nhu cầu cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Tin tưởng vào triển vọng quan hệ hai nước với những điểm tương đồng và nhiều đường bay thẳng đã được mở ra, các đại biểu khẳng định hai bên sẽ không chỉ tăng cường về thương mại, đầu tư mà cả về giáo dục, giao lưu nhân dân và du lịch. Những lĩnh vực mà các doanh nghiệp ở Pubjab và Haryana nhận thấy cơ hội hợp tác với Việt Nam bao gồm nông nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, dược phẩm, dệt may và phụ tùng ô tô.
Các doanh nghiệp tham dự hội nghị đã đặt nhiều câu hỏi cho Đại sứ Phạm Sanh Châu về những ưu đãi Việt Nam dành cho các nhà đầu tư, những lĩnh vực Việt Nam khuyến khích đầu tư và khả năng triển khai các dự án hợp tác đầu tư. Bên cạnh đó, cũng có câu hỏi về kinh nghiệm chống dịch COVID-19 của Việt Nam và thời điểm Việt Nam mở cửa toàn bộ nền kinh tế như thời kỳ tiền đại dịch.
Tham dự Hội nghị còn có Chủ tịch ASSOCHAM khu vực miền Bắc Amrit Sagar Mittal, và đại diện của hơn 150 doanh nghiệp, tổ chức và hiệp hội ở Chandigarh cũng như của Ấn Độ.