Sự kiện này diễn ra tại Edmonton, thành phố của tỉnh Alberta, với sự tham dự của cả Hội đồng kinh doanh Canada-ASEAN (CABC) nhằm đánh giá mức độ nhận biết và tận dụng Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để từ đó tạo ra cơ chế hỗ trợ và phối hợp, giúp các doanh nghiệp của Canada cũng như của Việt Nam tối đa hóa lợi ích khi Canada đang cố gắng thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này.
Hội thảo cũng nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada (1973-2023).
Trong bài phát biểu khai mạc, Ủy viên thương mại thuộc Bộ các vấn đề toàn cầu Alberta và lãnh thổ Tây Bắc Evan Buie đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Canada hiểu thêm về các Hiệp định thương mại tự do mà Canada ký kết với các nước, trong đó có CPTPP. Ông đánh giá rằng Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng của Canada và tỉnh Alberta. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Canada sang Việt Nam bao gồm nông sản, khoáng sản, kim loại và máy móc công nghiệp. Việt Nam đang là đối tác số một của Canada trong khu vực ASEAN kể từ năm 2015.
Bộ các vấn đề toàn cầu Alberta và lãnh thổ Tây Bắc đang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Canada để đưa ra những chương trình giúp các doanh nghiệp điều chỉnh sản phẩm hoặc dịch vụ của mình phù hợp với thị trường địa phương, đặc biệt là thị trường Việt Nam. Cơ quan này hiện có văn phòng tại hơn 160 thành phố, trong đó có cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Ottawa về kết quả hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và tỉnh Alberta, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh cho biết tỉnh này là nơi có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất vào Việt Nam sau 5 năm thực thi CPTPP.
Bà cũng thông báo với các doanh nghiệp Alberta về những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối giữa hai bờ Thái Bình Dương về hàng không, hàng hải, năng lượng, viễn thông và giới thiệu về chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam trong tương quan so sánh với các nước ASEAN.
Alberta đang xuất khẩu nhiều sản phẩm như dầu khí, máy móc và đặc biệt là nông sản, trong khi đang nhập khẩu đồ may mặc, hàng điện tử và da giày từ Việt Nam. Theo đánh giá của Giám đốc Cơ quan xúc tiến đầu tư Edmonton, Manisha Arora, với việc khai thác hiệu quả CPTPP, doanh nghiệp hai bên sẽ nắm bắt tốt hơn về cơ cấu mặt hàng của nhau và tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại đầu tư.
Các hiệp định thương mại tư do như CPTPP đang mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của cả Canada và Việt Nam. Sau 5 năm thực thi, hiện đang là thời điểm "vàng" để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai bên vươn tầm ra thế giới và nâng quy mô cạnh tranh với các công ty đa quốc gia. Ngoài các lợi ích từ giảm thuế, các hiệp định kiểu này sẽ giúp doanh nghiệp được hoạt động trong môi trường pháp luật minh bạch, được bảo hộ đầu tư và sở hữu trí tuệ...
Trong bối cảnh Canada đang đẩy mạnh việc xúc tiến Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các doanh nghiệp của Canada cũng sẽ có nhiều cơ chế hỗ trợ để mở rộng hoạt động tại ASEAN, trong đó có Việt Nam. ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 và cũng là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới. ASEAN sẽ là trung tâm tiêu dùng của thế giới vào năm 2030 nhờ quy mô thị trường.
Việt Nam là đối tác quan trọng của Canada trong ASEAN trong 50 năm qua và là điểm đến hàng đầu trong ASEAN đối với hàng hóa Canada nhờ tốc độ tăng trưởng 7% trong 30 năm qua. Việt Nam đang được đánh giá có vai trò là cửa ngõ cho các công ty Canada mong muốn phát triển ở khu vực này.
Bà TB Nguyễn, Giám đốc CABC, dẫn báo cáo thăm dò mới nhất của cơ quan này cho rằng các doanh nghiệp Canada đều nhận định Việt Nam là nước có nhiều cơ hội nhất trong khu vực ASEAN, bởi nơi đây đang nổi lên như một điểm cầu mới về thương mại, đầu tư và đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp có kế hoạch thành lập cơ sở tại Việt Nam như Customer Maps hay Senescene Life cũng có đánh giá rằng Việt Nam là một thị trường năng động, đầy tiềm năng. Đây là thời điểm để các doanh nghiệp Alberta nắm bắt cơ hội kinh doanh ở Việt Nam và thông qua Việt Nam để vào ASEAN.