Đó là nhận định của ông Hiroyuki Moribe, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam (OERI) của Nhật Bản, khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN trước thềm chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Yoshihide Suga. Dưới đây là nội dung của cuộc phỏng vấn.
Ông đánh giá như thế nào về quyết định của Thủ tướng Yoshihide Suga chọn Việt Nam và Indonesia làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức? Theo ông, vì sao Thủ tướng Suga lại đưa ra quyết định như vậy?
Trước hết, tôi cho rằng châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới, trong đó trung tâm của khu vực chính là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam và Indonesia là hai nước có quy mô dân số lớn, đồng thời rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại đây.
Thứ hai, trước đây, cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn Việt Nam và Indonesia là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, và Thủ tướng Suga đã cam kết kế thừa chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm Shinzo Abe. Có lẽ đây cũng là lý do khiến Thủ tướng Suga đã đưa ra quyết định như vậy.
Nhật Bản cũng muốn thông qua chuyến thăm này để tìm kiếm sự ủng hộ nhằm hiện thực hóa sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở của cựu Thủ tướng Abe nhằm duy trì hoạt động đi lại an toàn tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo ông, chuyến công du này có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam nói riêng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung? Ông dự báo như thế nào về những nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự giữa Thủ tướng Suga và các nhà lãnh đạo Việt Nam?
Việt Nam là đối tác cực kỳ quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Điều này được minh chứng khi Việt Nam là một trong số ít các nước được Nhật hoàng đến thăm.
Một điểm cực kỳ quan trọng khác đó là Việt Nam là một trong số không nhiều nước trên thế giới có quan hệ gần gũi với Nhật Bản và hai nước hiện cùng chia sẻ nhiều lợi ích chung. Bên cạnh đó, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 và tháng 11/2020, Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ diễn ra tại Việt Nam. Nhật Bản muốn các nước hiểu hơn về lập trường của Nhật Bản đối với khu vực ASEAN tại hội nghị sắp tới.
Về các nội dung cụ thể của chuyến thăm, tôi cho rằng Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nhật Bản tại khu vực châu Á. Hiện nay, số lượng người lao động làm việc tại Nhật Bản ngày càng tăng lên và có thể nói rằng, nguồn lao động từ Việt Nam là bộ phận không thể thiếu để hình thành lực lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Do đó, Thủ tướng Suga có thể bày tỏ cảm ơn đối với sự hợp tác của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hiện nay, hoạt động đi lại của công dân hai nước còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các nhà lãnh đạo hai nước có thể sẽ trao đổi để đưa hoạt động đi lại giữa hai nước diễn ra thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Mặt khác, Việt Nam là quốc gia thành công nhất trong việc kiểm soát dịch COVID-19, và cũng là một trong số ít các nước trên thế giới có thể đạt được tăng trưởng dương trong năm nay. Nhật Bản có thể rút ra nhiều bài học từ kinh nghiệm của Việt Nam trong vấn đề này. Dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp tại Nhật Bản trong mùa Đông tới và tôi cho rằng một trong những mục tiêu quan trọng của chuyến thăm lần này chính là những bài học và sự hợp tác của phía Việt Nam trong phòng chống dịch.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, rất nhiều mặt hàng như khẩu trang, vật tư y tế tại Nhật Bản rơi vào tình trạng khan hiếm. Tôi cho rằng trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Suga cũng sẽ bày tỏ lời cảm ơn về sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề này
Một số ý kiến cho rằng chuyến công du này của Thủ tướng Suga có thể kích hoạt một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam, nhất là khi Chính phủ Nhật Bản đang trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc sang Đông Nam Á. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Việt Nam là điểm đến đầu tư mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Thời điểm ban đầu, các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn triển khai cơ sở sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quãng thời gian 20 năm, Việt Nam đều đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 5% đến 6%, cuộc sống của người dân trở nên giàu có hơn. Giờ đây, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất mà còn là điểm đến hấp dẫn của một quốc gia sắp đạt mốc dân số 100 triệu người.
Chính vì những lý do đó, tôi cho rằng xu hướng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng khiến hoạt động xuất khẩu từ Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, có thể thấy Việt Nam là một trong số các nước đã nhanh chóng kiểm soát được dịch COVID-19, có thể duy trì mức tăng trưởng dương trong năm nay và các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động. Điều này sẽ tạo điều kiện để không chỉ các doanh nghiệp của Nhật Bản, mà thậm chí cả các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp châu Âu sẽ quan tâm và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới đây.
Xin chân thành cảm ơn Ông!