Đây là nhận định của ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) khi đánh giá về xếp hạng Chỉ số GII của Việt Nam năm 2020.
Đánh giá lại chỉ số GII 10 năm qua để đổi mới
Tại hội thảo “Giới thiệu báo cáo chỉ số GII năm 2020 và kết quả của Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Trong bảng xếp hạng GII năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 - được các chuyên gia WIPO đánh giá là cao hơn so với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam. Các nước xếp trên Việt Nam trong GII năm 2020 đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. Tuy nhiên, giai đoạn tới, Việt Nam sẽ đánh giá lại toàn diện chỉ số đổi mới sáng tạo 10 năm qua để từ đó đưa ra những giải pháp, đề xuất đổi mới chính sách đổi mới sáng tạo để Việt Nam có “bước” phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc WIPO cho rằng: Về xếp hạng đổi mới sáng tạo năm 2020, Việt Nam xếp hạng thứ 42 trong bộ chỉ số GII - đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có sự thăng hạng cùng với ba quốc gia đang phát triển khác là Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam đã đạt được tiến bộ “ấn tượng” về thứ hạng trong bộ chỉ số GII. Việt Nam đứng đầu trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Tính chung những năm qua, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế GII top 50 về sự tiến bộ trong việc tăng thứ hạng chỉ số đổi mới sáng tạo theo thời gian. Theo đó, Việt Nam được đề xuất là một quốc gia vượt trội về đổi mới sáng tạo trong 10 năm liên tiếp. Đầu ra từ đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiệu quả hơn so với đầu vào và tiếp tục đạt được mức điểm số vượt mức trung bình của nhóm thu nhập trung bình trong tất cả 7 lĩnh vực của chỉ số đổi mới sáng tạo GII”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Cùng với việc Việt Nam đánh giá lại chỉ số GII 10 năm qua để đổi mới, WIPO đã hỗ trợ Việt Nam đánh giá chỉ số GII, đồng thời, hỗ trợ việc xây dựng Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 để hình thành Mạng lưới IP-HUB nhằm thúc đẩy sáng chế của Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, cần nghiên cứu hình thành đánh giá các chỉ số đổi mới sáng tạo tại các địa phương để thời gian tới, GII sẽ là công cụ đắc lực hỗ trợ cho các địa phương.
Toàn hệ thống cần hiểu rõ hơn về Chỉ số GII
Trong bảng xếp hạng GII năm 2020, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, Việt Nam giữ được thứ hạng 42/131 quốc gia và nền kinh tế là nỗ lực của toàn hệ thống trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Điểm rõ nhất có thể thấy trong thời gian qua, hàng loạt dự án, viện nghiên cứu của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân, trung tâm đổi mới sáng tạo được hình thành. Sự thay đổi này được tích hợp và đánh giá khách quan thông qua chỉ số GII từ năm 2017 đến nay của Việt Nam tăng liên tục, từ vị trí 59 năm 2016 lên 42 năm 2019 và 2020. Trong bối cảnh khó khăn của năm 2020, khi nền kinh tế các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Việt Nam nổi lên như một hình mẫu về chống dịch và tích lũy kết quả nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong nhiều năm, đưa ra giải pháp về khoa học và công nghệ để hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, thông qua chỉ số GII năm 2020, các bộ, ngành, địa phương cần hiểu rõ hơn về Chỉ số GII để tiếp tục xây dựng, triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đã đặt ra.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng: Các bộ, ngành, địa phương cùng nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm cải thiện việc thu thập dữ liệu cũng như tập trung vào việc điều phối chính sách ở tất cả các cấp chính quyền để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên trên các nước đang phát triển trên toàn thế giới, hướng tới nối liền sự ngăn cách về đổi mới sáng tạo toàn cầu giữa các nền kinh tế phát triển, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng chỉ số GII như một công cụ quản lý điều hành quan trọng, đồng thời đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện GII và Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Hơn nữa, Việt Nam đã khai thác được những cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, nước ta đã chủ động tham gia các hiệp định thương mại tư do song phương và đa phương, chủ động hội nhập với nền kinh tế thế giới, có những hoạt động ngoại giao đa dạng giúp nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy, tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu, mạng lưới đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới.
Ấn tượng về đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: Về đổi mới sáng tạo, một chỉ số đáng bất ngờ trong 6 tháng đầu năm 2020 là dù giãn cách do dịch COVID-19 nhưng số lượng bằng độc quyền sáng chế, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng và số bằng được công nhận của Việt Nam cũng tăng hơn so với năm 2019. Đây cũng là dấu hiệu tích cực và ngược chiều so với suy thoái khi dịch COVID-19 diễn ra trên toàn thế giới.
Ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc WIPO chia sẻ: Việt Nam giữ kỷ lục cùng với ba nền kinh tế khác khi được đề xuất là một quốc gia vượt trội về đổi mới sáng tạo trong 10 năm liên tiếp. Đây là một nhóm các nền kinh tế tuyển chọn có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trên tầm mức phát triển của họ. Năm 2020, hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam có kết quả nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường, kinh doanh khi xếp hạng 39, tăng 30 bậc từ vị trí 69 năm 2019, trong đó, tiến bộ đáng chú ý là sự liên kết đổi mới sáng tạo với chỉ số Hợp tác Viện trường - doanh nghiệp (tăng 10 bậc, từ vị trí 75 lên 65) và chỉ số Quy mô phát triển của cụm công nghiệp (tăng 32 bậc, từ vị trí 74 lên 42). Năng lực Hấp thụ tri thức tăng 13 bậc so với năm 2019, xếp hạng 10 - đây đang là thế mạnh của Việt Nam.
Đặc biệt, về cải thiện Cơ sở hạ tầng chung năm 2020 tăng 9 bậc so với năm 2019, đáng kể nhất là nhóm chỉ số về Hạ tầng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) – tăng 6 bậc so với năm 2019 với tiến bộ rõ rệt về Tiếp cận ICT (tăng 4 bậc từ vị trí 90 lên 86) và Sử dụng ICT (tăng 27 bậc, từ vị trí 92 lên 65). Các chỉ số liên quan tới năng lượng trong GII 2020 cũng có sự cải thiện tích cực khi chỉ số sản lượng điện theo đầu người tiếp tục tăng 5 bậc, từ vị trí 81 lên 76. Chỉ số GDP/đơn vị năng lượng sử dụng tăng 7 bậc từ vị trí 92 lên 85.
Ngoài ra, sự cải thiện về đầu ra đổi mới sáng tạo có cải thiện tích cực đối với nhóm chỉ số Sáng tạo tri thức và Lan truyền tri thức, trong đó, nhóm chỉ số Lan truyền tri thức xếp hạng 14 được coi là thế mạnh của Việt Nam, nhờ sự dẫn đầu về xuất khẩu công nghệ cao (hạng 2). Đáng chú ý, chỉ số về Số lượng công bố bài báo khoa học và kĩ thuật đã tăng 13 bậc so với năm 2019, từ vị trí 74 lên 61. Đồng thời, sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc so với năm 2019, xếp hạng . Chỉ số số lượng ứng dụng phần mềm được sản xuất ngày càng nhiều (hạng 10, tăng 3 bậc); chỉ số Đăng ký nhãn hiệu theo xuất xứ (hạng 20, tăng 4 bậc); chỉ số Sản lượng ngành công nghệ cao và công nghệ trung bình cao tăng 4 bậc, từ 27 lên 23. Đặc biệt, với 33 thương hiệu nằm trong top 5.000, dẫn đầu là Công ty Viễn thông Viettel Telecom, Việt Nam xếp hạng thứ 19 ở chỉ số mới được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trong GII năm 2020 – Chỉ số Giá trị thương hiệu toàn cầu.