Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo tiềm năng hợp tác đầu tư - kinh doanh với thị trường Tây Phi trong ngành nông sản, do Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với nền tảng công nghiệp tích hợp ARISE tổ chức ngày 2/11.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh thông tin, ngành điều Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến mới cả về công nghệ chế biến và kim ngạch xuất khẩu. Từ một ngành sản xuất chủ yếu sử dụng nguyên liệu trong nước, cung ứng tiêu dùng nội địa và xuất thô sản phẩm sơ chế, ngành điều đã phát triển thành ngành sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Từ năm 2010, ngành điều gia nhập nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đến nay trị giá xuất khẩu điều của Việt Nam đã tăng 3,2 lần (bình quân 20%/năm). Việt Nam giữ vững vị thế là nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới trong suốt 15 năm qua, chiếm 80% sản lượng xuất khẩu điều nhân toàn cầu. Song song với xuất khẩu nhân điều, nhập khẩu điều thô nguyên liệu cũng tăng liên tục và đạt mức kỷ lục 2,9 triệu tấn (năm 2021), tăng 7,4 lần so với năm 2011 (năm đầu tiên hải quan có công bố thống kê nhập khẩu hạt điều), mức tăng bình quân 64%/năm.
Tuy nhiên tới năm 2022 và đặc biệt những tháng cuối năm, có nhiều dấu hiệu khó khăn trong sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu điều. Giá trị xuất khẩu điều Việt Nam đang giảm ở 15/31 thị trường xuất khẩu chính; trong đó, Ukraine giảm 82,1%, Nga giảm 34,1%... ngay cả Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam cũng giảm nhập khẩu. Nguyên nhân chung do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, biến động tỷ giá ngoại tệ, lạm phát tăng và giảm cầu tiêu dùng trên thế giới…
Về nguồn nguyên liệu, dù là nước xuất khẩu hạt điều thành phẩm lớn nhất thế giới, nhưng Việt Nam mới chủ động được khoảng 30% nguyên liệu đầu vào. Phần nguyên liệu điều thô còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Các nguồn cung điều thô lớn của Việt Nam hiện nay là các nước Tây Phi (Bờ Biển Ngà, Gana, Nigeria), tiếp đến là Campuchia và Indonesia; trong đó, các nước châu Phi là thị trường nhập khẩu hạt điều thô lớn nhất, và có giá tốt nhất của Việt Nam.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hạt điều Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh; trong đó “lợi thế lớn nhất” là môi trường chính trị - kinh tế - xã hội ổn định. Việt Nam cũng đang hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới. Lợi thế cốt lõi chính là sự phát triển của cơ giới hóa, tự động hóa, đổi mới công nghệ - thiết bị chế biến của ngành điều. Đến nay, phần lớn máy móc phục vụ cho chế biến nhân điều sơ chế do doanh nghiệp Việt Nam chế tạo.
Việt Nam có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kỹ sư chế tạo thiết bị giỏi. Lực lượng lao động Việt Nam có tay nghề cao, thông minh, khéo léo, chuyên cần. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam luôn linh hoạt thích nghi và đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu. Nhiều nhà máy được chứng nhận Tiêu chuẩn BRC, Smeta, HACCP,...
"Tuy nhiên, mối nguy lớn của ngành điều Việt Nam chính là thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho chế biến khi nhiều quốc gia cung cấp nguyên liệu thô ở châu Phi chuyển hướng đầu tư chế biến nội địa.
Do đó, để phát huy những lợi thế về trình độ chế biến, ngành nông nghiệp Việt Nam cần sớm có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước cũng như hợp tác hài hòa với các quốc gia có nguồn nguyên liệu điều thô dồi dào trên nguyên tắc đôi bên cùng phát triển", ông Bạch Khánh Nhựt nêu vấn đề.
Thông tin về bối cảnh của các quốc gia Tây Phi, ông Jasveer Singh, Giám đốc khu vực Tây Phi, Nền tảng công nghiệp tích hợp ARISE chia sẻ, châu Phi hiện đang đối mặt với hai vấn đề lớn là thiếu việc làm cho thanh niên và thiếu hụt lương thực thực phẩm, dược phẩm sau đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ các nước đang nỗ lực khắc phục các bất ổn bằng cách cải thiện năng lực sản xuất trong nước. Một số nước châu Phi sẽ cấm xuất khẩu điều thô để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến trong nước. Bemin là quốc gia đi trước và đã thông báo cấm xuất khẩu điều thô từ năm 2024. Điều này sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, đặc biệt là điều với nhiều đối tác thương mại của châu Phi; trong đó, có Việt Nam.
Xét ở góc độ lớn hơn, các quốc gia châu Phi cũng như nhiều nhà nhập khẩu nhân điều tại châu Âu, châu Mỹ đã nhận ra những bất cập trong chuỗi cung ứng hạt điều từ trước đến nay.
Cụ thể, việc phần lớn điều thô châu Phi đều được xuất khẩu sang khu vực châu Á để chế biến, sau đó tiếp tục xuất khẩu sản phẩm đến các nước châu Âu, châu Mỹ đang tốn rất nhiều thời gian và chi phí, đặc biệt trong bối cảnh logistics toàn cầu liên tục gặp khủng hoảng và tăng giá.
Chính vì vậy, xu hướng của các bên tham gia vào chuỗi cung ứng hạt điều là thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến ngay tại châu Phi, sau đó xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường ở châu lục khác. Việc rút ngắn chuỗi cung ứng này sẽ tiết kiệm đáng thời gian và chi phí vận tải, từ đó giảm giá thành cho sản phẩm hạt điều.
Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Trưởng văn phòng đại diện ARISE tại Việt Nam, thông tin, hiện nay, tại nhiều quốc gia châu Phi, các hệ sinh thái chế biến hạt điều đang được triển khai xây dựng bài bản từ nhà kho, khu vực sơ chế, nhà máy chế biến sâu…
Bên cạnh đó, chính phủ các nước châu Phi cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư như miễn thuế thành lập doanh nghiệp, miễn thuế đất, miễn thuế hải quan với máy móc phụ tùng chế biến điều, miễn thuế giá trị gia tăng cho điện và các tiện ích khác.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia gợi ý, doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét đến việc đặt văn phòng tại Tây Phi để chủ động trong kinh doanh thu mua điều nguyên liệu để giải quyết vấn đề nguyên liệu trước mắt.
Về lâu dài có thể đầu tư nhà máy, tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân công rẻ và chính sách ưu đãi đầu tư của các nước Tây Phi để sản xuất điều sơ chế, chế biến sâu phục vụ xuất khẩu ra thế giới, gia tăng giá trị trong chuỗi hạt điều toàn cầu.